Nhân vật võ thuật

Friday, July 15, 2011

Lịch sử môn phái Vịnh Xuân Quyền

Tổ sư của môn Vịnh Xuân là cô Nghiêm Vịnh Xuân, vốn người Quảng Đông, Trung Quốc. Khi còn trẻ cô rất thông minh, khỏe mạnh, có tư cách và nhân ái. Cô đã đính hôn với Lương Bác Trù, một nhà buôn muối ở Phúc Kiến. Ít lâu sau, mẹ của Nghiêm Vịnh Xuân qua đời. Cha cô, ông Nghiêm Nhị - bị buộc tội một cách phi lý và suýt đi tù. Đến nỗi cả gia đình ông phải dời đi nơi khác và cuối cùng dựng nhà sinh sống dưới chân núi Đại Lương ở biên giới hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên. Tại đó, họ kiếm sống tương đối ổn định. Tất cả chuyện này đã xảy ra trong thời gian của vua Khang Hy đang trị vì, tức từ năm 1662 đến 1722.


Vào lúc đó môn Kung Fu đang phát triển rất mạnh mẽ ở chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn thuộc tỉnh Hà Nam. Điều này làm cho triều đình Mãn Thanh lo sợ đến nỗi phải đưa quân đến tấn công ngôi chùa. Họ đã không thành công. Một gã đàn ông tên là Trần Văn Hoa - đỗ đầu trong kỳ thi làm quan năm đó - đã đứng về phía triều đình và hoạch định một chương trình.

Hắn lập mưu với nhà sư Thiếu Lâm tên là Ma Ning Yee và nhiều người khác. Những kẻ phản bội này làm nội ứng đốt chùa Thiếu Lâm trong khi quân triều đình tấn công bên ngoài. Chùa Thiếu Lâm cháy rụi và các nhà sư thì phân tán mọi nơi. Ngũ Mai sư thái, Chí Thiện thiền sư, Bạch Mi đạo nhân, Phùng Đạo Đức và Miêu Hiển đã thoát ra được và phân tán mỗi người mỗi ngã.

Ngũ Mai đã đến trú ẩn trong chùa Bạch Hạc trên núi Đại Lương. Tại đó Ngũ Mai đã quen biết Nghiêm Nhị cùng con gái của ông ta là Nghiêm Vịnh Xuân, bởi bà thường đến mua đậu hủ ở cửa hiệu của cha con họ Nghiêm. Chẳng bao lâu, họ trở thành hàng xóm thân mật.

Vịnh Xuân là một thiếu nữ trẻ và sắc đẹp của tuổi 16 đã làm mê mẩn một tên vô lại ở địa phương. Hắn dùng áp lực buộc Vịnh Xuân phải ưng hắn. Cha con Vịnh Xuân lo lắng vô cùng. Ngũ Mai biết được việc này và thương hại cho Vịnh Xuân. Bà đồng ý dạy Vịnh Xuân những kỹ thuật chiến đấu sao cho cô ta có khả năng tự bảo vệ được chính bản thân mình, giữ vững trung trinh với Lương Bác Trù.

Từ đó Vịnh Xuân đã theo Ngũ Mai lên núi và bắt đầu học Kung Fu. Cô đã miệt mài luyện tập ngày đêm và tinh thông mọi kỹ thuật. Rồi việc phải đến đã đến, Vịnh Xuân đã thách đấu với tên vô lại và đánh bại hắn! Ngũ Mai bắt đầu cuộc chu du hành đạo trên khắp đất nước. Nhưng trước khi đi, bà đã dặn dò Vịnh Xuân phải hết sức quý trọng những truyền thống Kung Fu, từ đó phát triển sở học Kung Fu của mình sau cuộc hôn nhân, và hỗ trợ mọi người trong cuộc bài Mãn phục Minh.

Sau cuộc hôn nhân, Vịnh Xuân đã truyền sở học võ thuật của mình lại cho chồng là Lương Bác Trù. Họ Lương tiếp tục truyền lại cho Lương Lan Quế, từ đó lại truyền cho Hoàng Hoa Bảo - một thành viên của đoàn ca kịch lưu động trên sông mang tên là Thuyền Đỏ. Trưởng đoàn Thuyền Đỏ là Lương Nhị Tì đã từng được Chí Thiện thiền sư, sau khi thoát khỏi chùa Thiếu Lâm cải trang thành một người nấu bếp và làm việc cho đoàn Thuyền Đỏ, truyền dạy cho kỹ thuật Lục Điểm Bán Côn.

Hoàng Hoa Bảo thân cận với Lương Nhị Tì, và họ cùng trao đổi những gì mà họ biết về Kung Fu. Họ đã cùng nhau tạo ra mối tương quan và cải tiến những kỹ thuật kung fu của họ, và nhờ vậy mà kỹ thuật Lục Điểm Bán Côn đã có mặt trong Vịnh Xuân quyền.

Lương Nhị Tì truyền dạy cho Lương Tán, một y sĩ dược thảo nổi tiếng ở Phật Sơn. Lương Tán thông hiểu được những bí mật ẩn tàng của Vịnh Xuân và đã đạt tới mức nghệ thuật cao. Nhiều võ sư kung fu đến thách đấu với ông ta, nhưng tất cả đều bị đánh bại. Sau đó, ông truyền võ học lại cho Trần Hoa Thuận, người đã nhận tôi (Diệp Vấn 1893-1972) làm đệ tử cách nay nhiều thập kỷ. Tôi đã học kung fu bên cạnh các bậc đàn anh như: Ngô Tiểu Lỗ, Ngô Trọng Tố, Trấn Nhữ Miên, và Lôi Nhữ Tế.

Chúng tôi mãi mãi biết ơn tổ tiên và các bậc thầy kung fu của mình, sẽ luôn nhớ và cảm kích về cội nguồn. Những đồng cảm này sẽ luôn luôn giữ anh em kung fu chúng tôi luôn gần gũi với nhau. Đây là lý do tại sao tôi đang tổ chức " Vịnh Xuân ái hữu" và tôi hy vọng anh em kung fu sẽ ủng hộ tôi vì sự việc này rất quan trọng trong việc quảng bá Vịnh Xuân ngày càng sâu rộng hơn.

(Theo Nguyễn Võ - Lược dịch từ bài viết của Diệp Vấn trong "Genealogy of Ving Tsun Family")

No comments:
Write nhận xét