Nhân vật võ thuật

Monday, November 19, 2012

Bàn về tấn pháp Vịnh Xuân

Thế tấn Kiềm Dương Mã là một trong những đặc trưng của môn phái Vịnh Xuân Quyền. Liên quan đến thế tấn này có nhiều truyền thuyết. Chẳng hạn thuyết nói rằng Ngũ Mai sư thái nhìn thấy con dê bị kẹt giữa hai gốc cây mà sáng tạo ra thế tấn này. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn đề cập đến một góc cạnh khác. Đó là tác dụng của thế tấn Kiềm Dương đối với các môn sinh Vịnh Xuân.



Trước hết, phải đặt thế tấn này trong cả quá trình luyện tập Vịnh Xuân để thấy được vai trò và ý nghĩa của nó. Vịnh Xuân Quyền theo dòng Diệp Gia không có nhiều bài quyền. Tất cả chỉ gồm 3 bài quyền, 1 bài mộc nhân, 1 bài đao, 1 bài côn. Tuy nhiên 3 bài quyền của Vịnh Xuân được xem như tương ứng với 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao cấp của môn sinh.

Ở trình độ sơ cấp, tức là giai đoạn môn sinh mới nhập môn và đang trong quá trình tiếp cận các khái niệm, thủ pháp của môn phái. Tương ứng với nó là bài Tiểu Niệm Đầu. Đặc thù của bài Tiểu Niệm Đầu là từ đầu tới cuối chỉ đứng 1 thế tấn – Kiềm Dương Mã.

Ở trình độ trung cấp, môn sinh học lên Tầm Kiều. Ở bài này, môn sinh được học di chuyển

Ở trình độ cao cấp, môn sinh được học Tiêu Chỉ. Tuy nhiên, theo truyền thống của môn phái, Tiêu Chỉ là bài quyền không truyền thụ phổ biến. Chỉ những người có duyên mới được truyền thụ.

Trở lại thế tấn Kiềm Dương Mã. Theo quy luật tự nhiên, một con người khi sinh ra phải học bò, học ngồi rồi khi đi được vững rồi thì mới học chạy học nhảy. Trong võ thuật, bất kỳ môn nào đều cho môn sinh tập tấn pháp trước khi tập các kỹ thuật. Vịnh Xuân Quyền cũng vậy, yêu cầu về tấn pháp của Vịnh Xuân rất khắt khe. Môn sinh phải đứng vững trong thế tấn Kiềm Dương mới có thể được học các kỹ thuật khác.

Lợi ích của thế tấn Kiềm Dương, như võ sư Từ Thượng Điền (một đệ tử của Tông sư Diệp Vấn) nói, là giúp cho dòng khí trong cơ thể võ sinh lưu chuyển nhịp nhàng. Bên cạnh đó, về mặt kỹ năng chiến đấu, việc đứng trong tư thế hai chân dang ngang, lại còn phải khép hai bàn chân tạo một góc 45 độ sẽ khiến võ sinh cảm thấy khó di chuyển. Khi đứng ở thế tấn này, việc lùi lại là khó. Vì khó lùi thì buộc võ sinh phải hướng về trước để chiến đấu.

Tấn pháp Kiềm Dương đặt trong giai đoạn tập Tiểu Niệm Đầu, là giai đoạn chỉ dạy về kỹ thuật phòng thủ, hóa giải đòn công tạo ra mối quan hệ hỗ trợ nhau. Tấn pháp vô hình đưa người tập vào thế khó tiến lùi buộc họ phải chiến đấu cho nên họ phải tập luyện các thủ pháp của Tiểu Niệm Đầu thật thuần thục mới có thể hóa giải được các đòn tấn công. Ngược lại, khi rèn luyện các thủ pháp kỹ càng, làm chủ được các thủ pháp thì môn sinh lại tự tin và vững vàng đối đầu với các địch thủ khi đứng trong thế tấn Kiềm Dương.

Những yếu lĩnh của thế tấn Kiềm Dương là:
Từ mắt nhìn xuống thấy hai đầu gối trùng với 2 mũi bàn chân
Cảm giác bàn chân bám vững vào mặt đất
Thân trên hơi ngả về phía sau để bụng ưỡn ra trước khi hít thở vào thấy thoải mái.

Tuesday, September 4, 2012

Chia sẻ của Từ Thượng Điền về bài Tiểu Niệm Đầu

Mỗi môn thể thao đều có những động tác cơ bản. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải khổ luyện những động tác đó để thực hiện chúng chuẩn xác. Tiểu Niệm Đầu là quyền pháp cơ bản của Vịnh Xuân quyền. Nếu bạn hiểu những nguyên tắc của Tiểu Niệm Đầu, thuần thục các đòn và ra sức đúng, bạn có thể hoàn thành các mục đích của Tiểu Niệm Đầu. Từ đó, có thể tiến nhanh hơn khi học Vịnh Xuân.



Quyền thuật của Tiểu Niệm Đầu rất đơn giản. Mọi môn sinh Vịnh Xuân đều đã quen thuộc với nó, nên tôi sẽ không đi vào chi tiết. Tôi chỉ muốn nói những điều tôi hiểu và học được từ các nguyên lý của Tiểu Niệm Đầu. Hy vọng, kinh nghiệm của tôi sẽ giúp các tân môn sinh.

Có Thế tấn đúng trong Tiểu Niệm Đầu sẽ khiến dòng lực chảy liên tục trong toàn thân và tăng sức trong công và thủ. Các động tác của Tiểu Niệm Đầu nhằm tập trung tư tưởng, trải năng lượng trên toàn thân và tạo sức. Ngoài việc là một quyền pháp, Tiểu Niệm Đầu còn giúp tăng cường thể lực. Nó cũng tốt cho người già.

Một số người nói “Nhị Tự Kiềm Dương Mã” có thể được dùng để vít đầu con dê (kiềm dương), hoặc dùng để bảo vệ hạ bộ (cũng có nghĩa kiềm dương), tôi sẽ không tranh luận nghĩa nào là đúng, mà chỉ phân tích các tác dụng của Nhị Tự Kiềm Dương Mã như sau: doãng chân ra đều vừa mức với chiều cao và bề ngang của bạn. Cong gối là một cách tiết kiệm sức lực khi giữ trọng lượng của bạn. Xoay ngón chân cái vào trong thành hình chữ Bát rất có tác dụng, nên cần xem xét kỹ tiếp. Nếu kéo dài chữ Bát bạn sẽ có một tam giác. Ở đây có những nguyên tắc để xác định góc tạo thành đó là góc nhọn hay góc tù. Đưa chân bạn ra theo trục thẳng trước mặt cho đến khi chân nằm ngang. Lấy điểm vuông góc với gót chân bạn là đỉnh của tam giác. Đứng như thế nào đó để hai chân bạn hướng đúng vào đỉnh này. Khi đó bạn đã đứng đúng thế chữ Nhị.

Khi tấn công, nếu bạn đứng đúng thế chữ Nhị, bạn có thể đá bất kỳ lúc nào mà không cần chuẩn bị, và cú đá sẽ có toàn bộ sức của thân thể khi tấn công vào trung điểm của địch thủ. Nó cũng được dùng để thủ. Tóm lại, nó được dùng để phản ứng nhanh.

Các kỹ thuật của Than Thủ, Bàng Thủ và Phục Thủ đều dựa trên thế tấn này để phát huy sức lực khéo léo. Những người mới tập thường thấy vất vả khi tập Than Thủ, Bàng Thủ. Đó là vì họ chưa biết cách dùng đúng kỹ thuật. Thực ra, bạn không cần dùng nhiều sức trong Than Thủ và Bàng Thủ. Một khi bạn đã hiểu được cách dùng lực, bạn có thể chống đỡ được lực công rất lớn bằng một lực nhỏ. Để làm được điều này, bạn cần tìm được góc độ thích hợp cho mình khi dùng Than Thủ và Bàng Thủ khi tập Tiểu Niệm Đầu. Sau đó, kết hợp với Nhị Tự Kiềm Dương Mã, bạn có thể dùng "tứ lạng bạt thiên cân".

Khi tập Than Thủ và Bàng Thủ của Tiểu Niệm Đầu bạn dần tìm được góc thích hợp đó. Khi tập Than Thủ, ra sức với cả cùi và đánh lòng bàn tay ngửa từ từ theo đường trung tâm cho đến khi bạn cảm thấy có lực cản lại. Đó chính là góc hợp với Than Thủ của bạn. Dùng phương pháp này cho cả Phục Thủ, bạn sẽ tìm được góc độ thích hợp cho Phục Thủ và Bàng Thủ của mình. Nếu bạn dùng góc độ này khi tập Li Thủ (Chi-Sau), cùng với Nhị Tự Kiềm Dương Mã, bạn có thể dùng lực yếu chống lực mạnh.

Các kỹ thuật khác cũng có những nguyên tắc riêng về ra sức và dùng lực. Nhưng nếu bạn đã thuần thục và kết hợp được Than Thủ, Bàng Thủ và Phục Thủ, bạn sẽ hiểu các động tác khác bằng sự suy diễn tương tự.

Tiểu Niệm Đầu bao gồm cả động và tĩnh, giúp bạn tập trung vào việc trải sức ra toàn thân. Tăng lưu thông máu mà không làm tăng mạch đập, khiến bạn cảm thấy tràn đầy sinh lực.


Theo bài viết của Từ Thượng Điền - Một trong những học trò của võ sư Diệp Vấn.

Saturday, February 18, 2012

Lý Tiểu Long và võ thuật


Tiểu Long là một ngôi sao điện ảnh - võ thuật. Ông là người  có thể nói là mở đường cho việc đưa võ thuật lên điện ảnh và ông cũng nổi tiếng từ đó. Cho đến nay đã hơn 40 năm kể từ ngày Tiểu Long qua đời (1977) nhưng tên tuổi ông vẫn là một trong những sự ngưỡng mộ lớn của giới trẻ. Cũng do số phận ngặt nghèo, Tiểu Long mất khi sự nghiệp điện ảnh đang ở đỉnh cao khiến người ta càng tiếc nuối và hâm mộ hơn. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn còn chưa hiểu lắm về đường võ thuật của Lý Tiểu Long cũng như trình độ võ thuật thật sự của ông.
Tôi còn nhớ hồi học cấp 3. Chúng tôi có 1 nhóm mấy thằng mê võ thuật hay ngồi bàn tán với nhau. Một anh bạn trong nhóm rất thần tượng Lý Tiểu Long nói rằng ông Lý có thể một mình đánh lại 10 cao thủ của thế giới. Lúc bấy giờ tôi chỉ biết gật gù thán phục ông Lý giỏi võ và anh bạn biết nhiều. Sau này lại đọc trên mạng, qua các diễn đàn thấy nhiều bạn rất thần tượng ông Lý và xưng tụng ông rất nhiều. Mặc dù thế ít người được biết những thông tin một cách đa chiều và chân thực.
Theo thời gian tha thẩn trên mạng, tôi có tìm thấy một vài câu chuyện liên quan đến đường học võ của ông Lý. Vậy xin kể tóm tắt. Trong cuốn sách nghiên cứu về võ thuật Lý Tiểu Long của một tác giả Việt Nam (Xin lỗi không nhớ được tên sách cũng như tác giả vì hồi đó một thằng bạn cho mượn từ khi học lớp 12) thì ông Lý học Vịnh Xuân Quyền là môn võ đầu đời lúc ông 13 tuổi. Năm 17 tuổi ông Lý theo gia đình sang Mỹ và ở đó ông tiếp tục nghiên cứu một số môn võ khác nữa.
Liên quan đến chuyện học Vịnh Xuân Quyền thì có câu chuyện này, tôi lượm lặt được trên mạng. Khi Lý Tiểu Long đến học Vịnh Xuân với tôn sư Diệp Vấn thì sư phụ Diệp nhìn tướng đã bảo rằng người này không kiên trì và chân đi gót không chạm đất thì tướng sẽ yểu mệnh. Trong 5 năm ông Lý học Vịnh Xuân thì ông cũng chưa được học hết các kỹ thuật của môn phái. Vịnh Xuân Quyền theo dòng Diệp Vấn chỉ có 3 bài quyền, 1 bài mộc nhân, một bài đao pháp và 1 bài côn. 
Bát trảm đao là môn binh khí lợi hại và sở trường của các đệ tự Vịnh Xuân

Hẳn là những ai đã xem qua các bộ phim của họ Lý và đã có một ít kiến thức về Vịnh Xuân sẽ thấy ngay là ông Lý không sử dụng được bát trảm đao và lục điểm bán côn (là hai bài binh khí của Vịnh Xuân). Vũ khí quen thuộc là côn nhị khúc vốn là một môn binh khí gần như đặc trưng của võ Nhật. Điều đó cho thấy ông Lý chưa được học côn pháp và đao pháp của Vịnh Xuân. Tôi cứ suy luận thế này, nếu ông Lý đã học côn, đao và sở trường được hai môn đó thì không lý gì ông lại không áp dụng nó vào trong các tình huống giao đấu trong phim.
Trong khi đó côn nhị khúc là vũ khí thường thấy trong phim Lý Tiểu Long

Thêm nữa, bài mộc nhân ông Lý cũng chưa được học bởi có câu chuyện đã được đưa lên báo Trung Quốc đó là sau khi ông Lý nổi tiếng điện ảnh có quay lại Hong Kong tìm Diệp Vấn để xin sư phụ dạy cho bài mộc nhân với cái giá là sẽ biếu sư phụ một căn biệt thự. Tuy vậy ông Diệp Vấn không chấp nhận điều này. Ông nói: "Nếu gặp người phù hợp có duyên ông sẽ đem hết ra truyền dạy chứ võ thuật không phải là thứ dễ dàng trao đổi buôn bán".
Sau này Lý Tiểu Long có sáng tạo ra môn phái riêng là Triệt Quyền Đạo. Tuy vậy sau khi ông mất đi môn này của ông đã dần dần lụi tàn. Ở Hà Nội hiện nay có một số nơi cũng dạy triệt quyền đạo nhưng không nhiều người học tập. Những người đến với môn này trước hết là vì thần tượng Lý Tiểu Long mà thôi. Ở khía cạnh khác, một số bậc đàn anh trong giới Vịnh Xuân Quyền có chia sẻ với tôi rằng Triệt Quyền Đạo của ông Lý bản chất chưa có gì thoát khỏi được Vịnh Xuân Quyền. 
Đây là kiểu đấm ngang bàn tay phổ biến mà hầu như môn võ nào cũng có

Với căn cơ còn rất nông cạn của mình bản thân tôi cũng thấy trong nhiều bộ phim ông Lý sử dụng chủ yếu các kỹ thuật hoặc là mang ảnh hưởng kỹ thuật Vịnh Xuân. Ví dụ các đòn đấm như điên dại vào đối thủ ở đoạn cuối cùng trong phim Đường Sơn Đại Huynh chính là kiểu Nhật Tự xung quyền của Vịnh Xuân chứ không phải kiểu đấm ngang bàn tay phổ biến.
Còn đây là kiểu đấm  Nhật tự xung quyền đặc trưng của Vịnh Xuân

Đây là cảnh trong phim Đường Sơn Đại Huynh, sau cảnh này Lý Tiểu Long kết liễu đối thủ bằng 1 loạt cú đấm nhật tự xung quyền tay phải (Ảnh sưu tầm internet)

Trong một bộ phim có cảnh đánh nhau ở trên đảo, khi đấu với một võ sĩ mặc áo trắng ông Lý đã giao tay và đứng thế tấn trắc thân kiềm dương mã của Vịnh Xuân. Ngoại trừ các đòn đá cao thì kỹ thuật tay của ông Lý hoặc là bê nguyên xi từ Vịnh Xuân hoặc là mang ảnh hưởng của Vịnh Xuân mà thôi.

Wednesday, February 15, 2012

Cái chết của Lý Tiểu Long

Lý Tiểu Long chết không tự nhiên?
Sau khi uống viên thuốc giảm đau do Đinh Phối đưa cho, Lý Tiểu Long lên giường nằm nghỉ nhưng không ai ngờ rằng huyền thoại võ thuật không bao giờ tỉnh lại nữa.



Hơn 10 giờ, Chu Bác Hoài có mặt tại nhà Đinh Phối, sau khi kiểm tra sơ bộ cho Lý Tiểu Long, bác sỹ phát hiện anh đã bị hôn mê, không thể đánh thức, thậm chí đến hơi thở, nhịp tim đều đã ngừng hoạt động. Chu Bác Hoài cho biết khi đó trông vẻ mặt Lý Tiểu Long rất thư thái, không có chút biểu hiện gì của đau đớn, ông đã cố gắng làm cho Lý Tiểu Long tỉnh dậy trong 10 phút nhưng vô ích, Lý Tiểu Long đã hoàn toàn mất dấu hiệu của sự sống, Chu Bác Hoài đề nghị đưa Lý Tiểu Long tới bệnh viện Elizabeth. Có thể Lý Tiểu Long đã chết vào lúc 10 giờ.

Nói về loại thuốc giảm đau mà Đinh Phối đã đưa cho Lý Tiểu Long uống, Trâu Văn Hoài cho biết loại thuốc này mạnh hơn thuốc aspirin, người bình thường uống một viên không sao nhưng đối với người mẫn cảm thì loại thuốc này có thể gây ra phản ứng phụ không tốt. Cũng có thể nói Lý Tiểu Long bị dị ứng với loại thuốc này.

Xe cấp cứu số 43 của đội cứu hộ Ma Tau Chung đã tới căn hộ của Đinh Phối vào lúc 10h37, nhân viên cứu hộ cao cấp Bành Đức Sinh đã nhanh chóng kiểm tra và phát hiện Lý Tiểu Long đã ngừng thở, sau đó đã hô hấp nhân tạo và hỗ trợ ô-xy cho Lý Tiểu Long nhưng cũng không thể cứu anh tỉnh lại. Trên đường tới bệnh viện, Bành Đức Sinh đã nhiều lần cấp cứu những mọi nỗ lực đều vô ích.

11 giờ tối, xe cấp cứu tới bệnh viện Elizabeth, Lý Tiểu Long được đưa vào phòng cấp cứu, cơ thể anh không có phản ứng gì, tim ngừng đập. Sau khi kiểm tra, các bác sỹ tuyên bố, về lý luận, Lý Tiểu Long đã chết nhưng xem xét tới thân phận đặc biệt của anh nên bác sỹ Tằng Quảng Chiếu đã tiêm epinephrine (thuốc kích thích giao cảm) để hồi sức tim phổi. Tuy nhiên, sau khi tiêm xong, Lý Tiểu Long vẫn không tỉnh dậy.

11h30, bác sỹ tại bệnh viện Elizabeth ký tên vào giấy chứng tử cho huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.

Kết quả khám nghiệm tử thi Lý Tiểu Long của bác sỹ pháp y Diệp Chí Bằng cùng với kết quả điều tra căn hộ của Đinh Phối cho thấy trên ngón chân trái của Lý Tiểu Long có một vết máu, bên ngực trái cũng có vết kim tiêm lúc hồi tim khẩn cấp nhưng cơ thể Lý Tiểu Long không hề có vết thương gì khác hay dấu hiệu bạo lực, hơn nữa không có dấu hiệu giằng co hay thuốc độc, vì thế Diệp Chí Bằng nhận định Lý Tiểu Long không bị người khác giết hại. Ông còn nói thêm Lý Tiểu Long đã có tiền sử hôn mê đột ngột khi đang chụp hình nên đó có thể là các dấu hiệu trước khi Lý Tiểu Long đột tử.

Căn cứ theo những lời khai, tòa án điều tra nguyên nhân cái chết của Lý Tiểu Long đã phải đưa ra phán quyết sơ bộ là “không rõ nguyên nhân cái chết”.

Kết luận này quả thực đã không khiến người hâm mộ và giới truyền thông hài lòng. Do đó, điều tra vẫn được tiếp tục và quan trọng nhất chính là báo cáo khám nghiệm tử thi Lý Tiểu Long.

Sau khi tử thi Lý Tiểu Long được mổ xẻ, các mẫu gan, thận, ruột non, ruột già, máu, dạ dày ngay lập tức được gửi tới phòng thí nghiệm địa phương tại Hong Kong, do bác sỹ Lâm,thuộc sở pháp y tiến hành kiểm tra, các mẫu vật còn lại được gửi tới phòng thí nghiệm ở Australia và New Zealand phân tích.

Tuy nhiên, khi báo cáo khám nghiệm tử thi vừa được đưa ra, Lý Tiểu Long đã được chôn cất. Điều đáng chú ý nhất trong báo cáo khám nghiệm tử thi là phát hiện một lượng nhỏ cần sa trong cơ thể Lý Tiểu Long. Bác sỹ pháp y họ Lâm và nhà bệnh lý học tại bệnh viện Elizabeth- Lê Sử Đặc cho biết lượng cần sa này có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của Lý Tiểu Long. Bác sỹ Lê cũng lưu ý rằng không phát hiện vết thương trên đầu của Lý Tiểu Long và cũng không có chảy máu não hay hiện tượng nhồi máu não, các cơ quan trong cơ thể đều bình thường, ngoại trừ phần não có vết sưng có thể xuất hiện trước khi chết 30 giây và đến rất nhanh nên vết sưng này không nhất định là nguyên nhân gây ra tử vong, có thể dị ứng với thuốc giảm đau mới là nguyên nhân chính dẫn tới cái chết đột ngột của siêu sao võ thuật.

Lập luận trên trùng với quan điểm của giáo sư Avandia tại đại học London, ông cho rằng Lý Tiểu Long chết vì chứng phù não do một số thành phần trong thuốc giảm đau gây ra phản ứng dị ứng. Nhưng đây cũng chỉ là suy đoán chứ không có kết luận chính thức.

Tất cả những bằng chứng thu thập được sau 2 tháng đều không thể nào tìm ra nguyên nhân cái chết của Lý Tiểu Long nên thẩm phán tòa án Hong Kong Đổng Tử Quang đã quyết định đưa ra kết luận “không rõ nguyên nhân cái chết”.

Sau đó tòa lại phán quyết Lý Tiểu Long “chết không tự nhiên”. Phán quyết này đã bị phản đối kịch liệt, người dân ở Hong Kong đều tỏ ra hoài nghi và cho rằng tuyên bố này của tòa án rất hời hợt và mơ hồ.

Đứng trên quan điểm khách quan, phán quyết này không phải không hợp lý, thậm chí có thể nói đã làm giảm tranh cãi xuống mức thấp nhất, là sự thay thế hợp lý nhất. Tuy nhiên, quan tòa đã xem nhẹ thái độ chú ý của dân chúng trước cái chết của Lý Tiểu Long, hay nói cách khác phán quyết này không đáp ứng được mong đợi của mọi người về thông tin cái chết của Lý Tiểu Long. Tuy nhiên, đứng trên lập trường của các nhà chức trách, tất nhiên họ không hy vọng việc điều tra cái chết của Lý Tiểu Long ngày càng lan rộng, thêm nhiều người vào cuộc, hao tổn nhiều nguồn lức để tìm ra nguyên nhân mà không thu được kết quả gì.

Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận bối cảnh xã hội Hong Kong lúc đó, những năm 60, 70 của thế kỷ trước là thời kỳ nạn tham ô hoành hành ở Hong Kong, cảnh sát ăn hối lộ, câu kết với xã hội đen, vừa nhận tiền hối lộ, vừa lợi dụng chức quyền để bao che tội phạm, thậm chí có thể mua bán được chức vụ cảnh sát. Chỉ cần có được tiền, có thể làm cảnh sát và thả tội phạm, điều này đã khiến an ninh xã hội và trật tự kinh tế Hong Kong khi đó rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Sống trong hoàn cảnh đó, người dân Hong Kong luôn bị chèn ép và hình tượng anh hùng Lý Tiểu Long trên phim đã đáp ứng được nguyện vọng của họ lúc bấy giờ. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao Lý Tiểu Long lại được yêu mến tới vậy. Ngoài ra, các cơ quan ban ngành trong chính quyền Hong Kong đang trong giai đoạn lộn xộn, nhiệm vụ trọng tâm của các nhà chức trách là chống tham nhũng, loại bỏ lực lượng cảnh sát suy thoái, thành lập ủy ban chống tham nhũng, vì thế họ không hy vọng cái chết của Lý Tiểu Long sẽ lãng phí quá nhiều nhân lực cũng nhưng điều quá nhiều chuyên gia, nhân viên đi điều tra cái chết của Lý Tiểu Long và càng không muốn vì sự kiện của Lý Tiểu Long mà làm dứt dây động rừng, ảnh hưởng tới kế hoạch vây bắt tội phạm của chính quyền.

Nhưng nhìn từ góc độ khác, chính vì sự chú ý của quần chúng tới cái chết của Lý Tiểu Long, chính quyền Hong Kong mới có thể sắp xếp mọi thứ lặng lẽ để loại trừ một loạt cảnh sát tham nhũng.

Theo Vietnamnet/China.com