Nhân vật võ thuật

Friday, July 5, 2013

10 yếu quyết Thái Cực quyền

Dương Trừng Phủ truyền khẩu giảng, Trần Vi Minh chép lại

(1) Hư linh đỉnh kình: Đỉnh kình, có nghĩa là đầu để cho ngay thẳng, thần dẫn lên trên đầu, không được dùng sức, dùng sức cổ sẽ bị cứng, khí huyết sẽ không được lưu thông, phải có ý hờ và linh động. Không có hư linh đỉnh kình, thì tinh thần không thể sôi động lên.





(2) Hàm hung bạt bối: Hàm hung, có nghĩa là ngực hơi thóp vào trong, để cho khí đi xuống đan điền. Ngực kỵ ưỡn ra, ưỡn ra thì khí sẽ chạy lên ngực, trên nặng dưới nhẹ, bàn chân sẽ dễ bị loạng choạng. Còn bạt bối, có nghĩa là khí dính vào sau lưng, biết hàm hung tức là biết bạt bội, biết bạt bột thì sẽ biết lực là do ở xương sống phát ra, vô địch là ở chỗ đó

(3) Tung yêu: Eo lưng là chủ tể của một thân, thả lỏng eo lưng được thì sau đó hai chân mới có đủ sức, hạ bàn ổn cố. Biến hóa hư thực đều do ở eo lưng chuyển động, do đó mà nói: "Mệnh ý nguyên đầu tại yêu khích" (Cái ý chí mệnh lệnh là ở chỗ cái eo lưng), nếu mà không đủ sức là tìm ở eo lưng và chân

(4) Phân hư thực: Thái cực quyền lấy hư thực làm ý nghĩa số một, nếu toàn thân nằm ở bên chân phải, thì chân phải là thực, chân trái là hư; toàn thân mà nằm ở chân trái, thì chân trái là thực, chân phải là hư. Hư thực mà phân ra được, thì sau đó mới chuyển động linh hoạt, mà không tốn tý sức lực. Nếu không phân ra được, thì đi đứng nặng nề, thân đứng không vững, mà dễ bị người lay động

(5) Trầm kiên trụy trửu: Trầm kiên, có nghĩa là vai tung lỏng và hạ xuống, nếu không làm được, hai vai nhô lên, tất nhiên khí sẽ tùy theo đó mà đi lên, toàn thân sẽ không lấy được sức nhĩ. Trụy trửu, có nghĩa là cùi chỏ hạ chìm xuống, cùi chỏ mà đưa lên, thì vai sẽ không hạ xuống được, quăng người ra không xa, sẽ đi gần với ngoại gia dùng cương kình.

(6) Dụng ý bất dụng lực: Thái cực quyền luận có nói: "thử toàn thị dụng ý bất dụng lực" (cái này là chỉ dùng ý không dùng sức). Luyện Thái cực quyền, toàn thân tung khai, không để có một tý nào sức , sợ bị đình trệ cân cốt huyết mạch, mà bó thúc thân thể; sau đó rồi biến hóa mới linh hoạt, tròn và lưu chuyển như ý. Nếu mà nghi ngờ là nếu không dùng sức thì làm sao mà có sức mạnh ? Bởi rằng thân thể người ta có kinh lộ, như là đất có mạch nước, mạch mà không tắc thì nước chảy, kinh lộ mà không bị bế tắc thì khí sẽ thông. Nếu như cả thân thể đầy sức làm tắc kinh lộ, khí huyết sẽ bị đình trệ, chuyển động không linh hoạt, kéo một cái là cả người bị lay chuyển. Còn nếu không dùng sức mà dùng ý, chỗ nào ý tới thì khí sẽ lập tức tới, như vậy, khí huyết lưu hành, ngày ngày lưu chuyển, chu lưu toàn thân, không lúc nào đình trệ; Luyện như vậy lâu ngày, sẽ được nội kình chân chính, tức là như trong Thái cực quyền luận nói: "Cực chí nhu, nhiên hậu cực chí cương".Người tập luyện công phu Thái cực quyền, cánh tay như bông gòn bọc thiết, phân lượng rất trầm; người luyện quyền ngoại gia, dùng sức là thấy có sức, không dùng sức thì thấy nhẹ hời, có thể thấy rằng sức là kình lực phía ngoài, không dùng ý mà dùng sức, rất dễ bị lay động, không đủ hay.

(7) Thượng hạ tương tùy: Thượng hạ tương tùy, tức là như Thái cực quyền luận nói là: "Kỳ căn tại cước, phát vu thoái, chủ tể vu yêu, hình vu thủ chỉ, do cước nhi thoái nhi yêu, tổng tu hoàn chỉnh nhất khí" (Căn là ở chân, phát ra bắp chân, chủ tể là eo lưng, hình tượng ở bàn tay ngón tay, từ chân mà tới bắp chân, rồi eo lưng, phải chung là thành một hơi). Bàn tay động, eo lưng động, chân động, nhãn thần tùy theo đó mà động, như vậy thì mới gọi là thượng hạ tương tùy, có một cái nào không động tức là tán loạn rồi

(8) Nội ngoại tương hợp: Thái cực quyền luyện ở chỗ "thần", cho nên nói rằng: "thần vi chủ soái, thân vi khu sử" (thần là chủ soái, thân là kẻ bị sai sử). Tinh thần mà đề lên được, tự nhiên cử động sẽ nhẹ nhàng linh hoạt. Tư thế không đi ra ngoài hư thực, khai hợp. Khai, có nghĩa là chân tay khai, tâm ý cũng theo đó mà khai theo. Hợp có nghĩa là không những chân tay hợp mà tâm ý cũng theo đó mà hợp, được trong ngoài mà thành một khí, thì hồn nhiên không bị ngăn trở.

(9) Tương liên bất đoạn: Quyền thuật ngoại gia, kình là từ ở sức có sau này, do đó mà có sinh có dứt, có tục có đoạn, sức cũ mà hết, sức mới chưa sinh, lúc ấy rất dễ bị người thừa cơ. Thái cực quyền dùng ý không dùng lực, từ đầu tới cuối, miên miên không ngừng, hết một vòng lại trở về đầu, tuần hoàn vô cùng, quyền luận nói là: "như trường giang đại hải, thao thao bất tuyệt", lại nói: "vận kình như trừu ty", đều nói đến một hơi liên quán.

(10) Động trung cầu tĩnh: Quyền thuật ngoại gia, lấy nhảy nhót làm hay, dùng hết khí lực, do đó mà luyện quyền xong, không ai là không thở gấp. Thái cực quyền lấy tĩnh chế ngự động, tuy động mà cũng như tĩnh, do đó đi quyền càng chậm càng tốt. Chậm thì hô hấp sâu và dài, khí trầm đan điền, không bị khổ vì huyết mạch khẩn trương. Kẻ học phải để ý tìm tòi, như vậy thì mới hiểu được.

Luyện tuyệt kỹ điểm huyệt như thế nào?

Người mê phim chưởng hay truyện kiếm hiệp hẳn quen thuộc với tuyệt kỹ điểm huyệt. Thực hư môn công phu huyền thoại này là thế nào?


Trong truyện kiếm hiệp, phép điểm huyệt được mô tả như là một thủ pháp làm cho địch thủ toàn thân tê cứng không nhúc nhích được. 


Điểm huyệt và giải huyệt

Có một điều phải nói rõ từ đầu rằng điểm huyệt cũng chỉ là một môn trong rừng võ với rất nhiều hoa thơm cỏ lạ của các nhà các phái. Sở dĩ nó hiện lên lung linh huyền ảo trong suy nghĩ của quần chúng là do bị ảnh hưởng bởi truyện và phim kiếm hiệp.

Võ thuật là một phần của văn hóa, là phương tiện hun đúc ý chí tinh thần của một dân tộc. Tuy nhiên, nó kém may mắn hơn các thành phần khác như văn học, thơ ca, lịch sử… ở chỗ không được biên chép vào sử sách một cách chi tiết. Thêm vào đó, các môn các phái thường giữ bí mật một vài tuyệt kỹ, chỉ truyền miệng từ thày cho trò mà không phổ biến rộng rãi. Bởi những lý do như thế nên rất nhiều môn võ hiện nay không thể biết đích xác ai là người sáng tạo và có từ bao giờ. Phép điểm huyệt cũng trong tình trạng như vậy. 

Võ sư Hồ Tường khi viết cuốn Tìm hiểu võ thuật Việt Nam đã dẫn ra vài ba quan điểm về nguồn gốc của môn điểm huyệt. Theo đó có người cho môn này là do Bồ Đề Đạt Ma mang từ Ấn Độ sang. Có người lại nói rằng nó vốn đã có từ thời thượng cổ ở Trung Quốc vì sách Hoàng Đế nội kinh từ 2000 năm trước Công nguyên đã có vẽ đồ hình 108 huyệt trên cơ thể con người. Trong khi đó, võ sư Hàng Thanh cho rằng môn điểm huyệt chỉ ra đời từ lúc các võ gia kết hợp được võ thuật với môn châm cứu trong y học. 

Dù lai lịch còn nhiều điều bàn cãi nhưng các sách thuộc các môn các phái khác nhau đều thống nhất về con số 108 là số lượng các huyệt đạo trên cơ thể con người. Huyệt đạo theo định nghĩa của võ thuật và y học phương Đông, là những điểm nhỏ li ti trên thân thể con người. Nó là giao điểm của các đường kinh mạch trong cơ thể, có liên quan trực tiếp đến các cơ quan trong cơ thể. Do vậy, bất cứ một sự tác động nào vào các huyệt đạo đều gây ra phản ứng tức thì trên hệ thần kinh.

Trong số 108 huyệt đạo thì người ta chia ra thành 3 loại: Tử huyệt, Ma huyệt, Sinh huyệt. Tử huyệt là những vị trí yếu hại trên cơ thể người, khi đánh vào đó thì gây phản ứng tức khắc, có thể dẫn đến tử vong. Ma huyệt là những huyệt khi bị đả hoặc điểm trúng thì đau đớn, tê bại, hoặc bất tỉnh nhân sự nhưng không chết. Còn sinh huyệt là những huyệt cứu sống hay cứu tỉnh khi bị đả hay điểm trúng tử huyệt hay ma huyệt.

Qua phim ảnh, quần chúng chỉ biết đến phép điểm huyệt với hình ảnh dùng một ngón tay điểm lên cơ thể con người. Tuy nhiên, lý luận võ học về môn điểm huyệt phong phú hơn nhiều. Theo võ sư Hồ Tường, thuật điểm huyệt gồm các kỹ thuật: Điểm huyệt, đả huyệt, nã huyệt, bế huyệt và giải huyệt. 

Điểm huyệt là dùng những bộ phận có diện tích tiếp xúc nhỏ của cơ thể con người như đầu ngón tay, đầu ngón chân… đã được luyện tập cho cứng rắn, điểm chính xác vào vị trí của huyệt đạo với một tốc độ và cường lực đủ để bế tắc huyệt đạo đó, gây đau đớn tê bại tạm thời hoặc thậm chí làm tật nguyền, thiệt mạng kẻ bị điểm tùy vào vị trí huyệt bị điểm.  

Đả huyệt là dùng bộ phận có diện tích tiếp xúc lớn của con người như nắm đấm, cạnh bàn tay, đầu gối… đã được luyện tập cứng rắn để đánh vào các huyệt đạo. So với điểm huyệt thì đả huyệt dễ thực hiện hơn. Trong cuộc sống hàng ngày có nhiều khi người ta đã ngộ sát một người nào đó vì vô tình đánh trúng tử huyệt của họ. Những trường hợp đó chính là đã vô tình sử dụng phép đả huyệt này. 

Ngoài ra còn có nã huyệt là dùng các ngón tay bấu vào các huyệt đạo gây đau đớn buộc đối phương phải dừng chiến. Thường ngày nếu ai đó khỏe mạnh bóp vào cổ tay hoặc dùng ngón trỏ và ngón cái mà bấu vào chỗ hổ khẩu thì chúng ta cũng thấy đau đớn lắm rồi. Đây chính là phép nã huyệt. 

Bế huyệt là tấn công vào huyệt đạo gây sự tắc nghẽn lưu thông khí huyết, tạo tình huống mất ý thức, mất khả năng chiến đấu. Cuối cùng là giải huyệt, dùng các thủ pháp như bấm, xoa, day… trên vùng huyệt đạo bị tổn thương, tạo sự hồi phục bình thường. Theo như lý thuyết trên thì có lẽ những người làm nghề tẩm quất đang sử dụng một phần kỹ thuật giải huyệt nhằm làm cho khí huyết lưu thông tuần hoàn, giúp người được tẩm quất cảm thấy sảng khoái hơn. 


Điểm huyệt hại người có dễ?

Cứ theo như những gì trình bày ở trên thì thuật điểm huyệt quả là một môn võ vô cùng lợi hại. Chỉ cần chạm được tới người địch thủ là làm chủ được trận đấu. Tuy nhiên, trong thực tế, sử dụng được thủ pháp này không phải dễ.

Không nói tới việc các đối tượng luôn luôn di động trong một trận đấu võ, rất khó để tiếp cận mà điểm huyệt thì bản thân người sử dụng thuật này gặp phải ít nhất 2 rào cản rất lớn. Trước hết, muốn điểm được huyệt thì các bộ phận dùng để điểm phải được luyện tập cho thật cứng rắn. Muốn dùng ngón tay điểm huyệt thì ngón tay phải được luyện tập cho cứng như cái dùi sắt mới có thể dùng được.

Rào cản thứ hai là khả năng nhận biết huyệt của người sử dụng thuật điểm huyệt. Một võ gia muốn điểm được huyệt người khác thì trước hết phải làu thông vị trí huyệt đạo. Trước tiên phải học về huyệt đạo rồi tích cực vẽ đồ hình cơ thể và chấm chính xác vị trí các huyệt đạo lên đó. Sau đó phải nhìn qua là chỉ đúng vị trí huyệt đạo trên cơ thể người đứng đối diện thì mới coi là đạt yêu cầu. 

Mặc dù vậy trong thực tế chiến đấu, đối phương luôn luôn vận động di chuyển nên rất khó để nhận biết chính xác. Mặc khác theo quan niệm phương Đông, huyệt đạo trong cơ thể người có quan hệ với sự vận động thời tiết của vũ trụ. Nội trong 1 ngày thì sự lưu chuyển khí lực trong cơ thể con người cũng đã thay đổi liên tục. Các huyệt mở đóng tùy từng thời điểm khác nhau. Do vậy có khi có điểm trúng cũng không gây được hiệu quả mong muốn. 

Vì những điều đó, trong cuốn Tự luyện nội công Thiếu Lâm tự, võ sư Hàng Thanh đã viết: “Huyệt không nhất thiết nằm gần trên da, có khi ẩn sâu dưới da trong gân thịt, muốn chạm đến để gây phản ứng phải hội đủ điều kiện về vận tốc và sức nặng trên diện tích để đủ sức làm rung động. Do đó học huyệt thì dễ mà học điểm huyệt hại người không dễ”. Giả như có người luyện được thuật điểm huyệt thì cũng nên khéo giữ gìn phẩm hạnh để khỏi lỡ tay hại người mà tổn âm đức.

Thursday, July 4, 2013

Khinh công có thật không?

Nhờ tập nhảy qua các gò đống hàng ngày bằng cách bỏ cát vào hai ống quần, Phạm Ngũ Lão có thể nhảy nhót như chim khi vào kinh đấu võ. 


Khinh công trong tiểu thuyết võ hiệp được miêu tả như những công phu giúp người ta chạy lên ngọn núi dốc đứng, nhún chân nhảy qua tường. Sự thực khinh công là thế nào trong kho tàng võ thuật? 


Khinh công qua lăng kính tiểu thuyết

Trong tiểu thuyết võ hiệp nói chung và của tác giả Kim Dung nói riêng, khinh công được xem là một môn công phu phổ biến. Mọi nhân vật có võ nghệ cao cường thì khinh công cũng đều ở trình độ thượng thừa có thể mượn sức của cành cây, ngọn cỏ để chạy, nhảy trên đó. 

Trong Anh hùng xạ điêu, Kim Dung từng tả Quách Tĩnh khi học võ với Mã Ngọc hàng ngày phải chạy lên một ngọn núi hiểm trở mà người thường không leo trèo được. Chàng ta được Mã Ngọc chỉ cho các phương pháp để vượt qua những đoạn vách đá dựng đứng. Sau một thời gian chạy quen, Quách Tĩnh đã chạy được từ chân núi lên tới đỉnh. Những chỗ vách đá dựng đứng chàng chỉ cần dùng tay với, chân điểm vào những hốc đá là bật lên trên nhẹ nhàng. 

Có khi nhân vật đang bị ngã từ trên cao xuống, khi sắp tiếp đất, muốn không bị dập xương gãy khớp họ liền phóng chưởng đánh xuống đất để tạo phản lực. Đó là cảnh Huyết đao lão tăng nhảy xuống vực sau khi giao đấu với Hoa Thiết Can trong Liên Thành Quyết… Còn như dùng khinh công chạy trên mái nhà lợp bằng ngói mà không gây tiếng động thì các cao thủ hạng ba hạng bốn cũng làm được.

Không phải chỉ trong truyện Kim Dung, ngay ở Việt Nam ta, trong giai thoại về nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng có đoạn nói đến thuật khinh công. Giai thoại kể rằng có ông Tú Đanh ghen với Tổng Cóc vì không lôi được Hồ Xuân Hương dứt ra khỏi Tổng Cóc nên đánh tiếng dọa sẽ đánh chết Tổng Cóc. Biết tin, Tổng Cóc cùng một người gia nhân tên là Ré tìm lên quê Tú Đanh.

Hai người giả vờ đi ngang vào nhà Tú Đanh xin lửa hút thuốc lào. Biết là thày trò Tổng Cóc tìm lên, Tú ta sai người nhà mang lên hòn than cháy đỏ rồi cầm đặt lên đùi xong châm lửa hút. Người xung quanh còn đang hết hồn về hòn than đỏ trên đùi Tú Đanh bỗng nghe phập một tiếng. Nhìn lên đã thấy con dao nhọn cắm sâu đến nửa vào đòn nóc mái nhà. Mọi người ngơ ngác không kịp nhìn thấy Tổng Cóc phi con dao lên như thế nào mà lực mạnh như thế.

Tổng Cóc bảo anh Ré lấy con dao xuống chẻ đóm để hút thuốc. Chỉ thấy Ré vỗ đùi bạch một tiếng nhảy phốc lên. Trong nháy mắt đã rút con dao xuống và cầm trong tay. Chịu thua, Tú Đanh bèn xuống giọng mời thày trò Tổng Cóc ngồi trà thuốc.

Xa xưa nữa, các truyện kể về danh tướng Phạm Ngũ Lão có nói rằng sau khi được Hưng Đạo Vương tiến cử vào làm vệ sĩ cho vua Trần, Phạm Ngũ Lão bị các vệ sĩ của nhà vua ghen tị và thách đấu tỉ võ. Ngũ Lão xin về quê luyện võ 3 tháng. Đến ngày tỉ đấu một mình ông chấp mấy chục vệ sĩ. Vào cuộc ông tay đấm chân đá nhảy nhót như chim đã đánh bại hết các vệ sĩ khiến ai nấy tâm phục khẩu phục. Chi tiết nhảy nhót như chim đó cũng không khác gì thuật khinh công trong tiểu thuyết kiếm hiệp miêu tả.

Sự thực khinh công

Theo kiến giải của các võ sư nối tiếng như Nam Anh, Hàng Thanh, khinh công là một loại công phu luyện tập cho thân thể nhẹ nhàng như bướm lướt cành, như én qua rèm. Trong cuốn Ngũ đài trân tàng bí bản, ông đã trình bày phương pháp tập luyện khinh công gồm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 người ta lấy một cái ang hoặc chậu cảnh loại lớn, dùng xi măng bịt cái lỗ ở đáy chậu lại rồi đổ nước vào. Khởi sự tập, người tập dùng túi vải ở trong có chứa những thanh trì rồi buộc vào chân. Ban đầu mỗi chân đeo thêm số chì nặng vài trăm gam. 

Với những túi chì buộc ở chân, người tập nhảy lên miệng cái ang và tập chạy trên đó. Ban đầu còn chưa quen nên chỉ đi từng bước thôi. Sau khi quen rồi mới chạy nhanh được. Khi đã thuần thục thì tăng thêm trọng lượng chì và đổ bớt nước đi. Cho đến khi cái ang sạch nước và chì buộc vào chân đã tăng lên thêm vài trăm gam nữa mà chân chạy vẫn nhẹ nhàng thì thành công giai đoạn 1.

Giai đoạn 2 thì thay cái ang bằng cái chảo lớn loại chảo nấu đường có đít tròn. Đổ đầy sắt vụn hoặc đá nhỏ vào đó rồi chân mang thêm chì nặng hơn giai đoạn 1 và bắt đầu tập chạy quanh miệng chảo. Lại tiếp tục tuần tự lấy bớt sắt và tăng thêm chì như giai đoạn 1. Đến ngày nào chảo không còn sắt vụn hay đá nữa mà chân vẫn chạy nhẹ nhàng là thành công giai đoạn 2.
Sang giai đoạn 3 người ta lấy cát rải mỏng khoảng 2 đến 3 cm tạo thành một con đường nhỏ rồi trên mặt cát đặt mấy lớp giấy. Người luyện chân vẫn mang chì sẽ chạy trên con đường đó. Ban đầu sẽ đạp thủng giấy và có vết trên cát nhưng cứ nhẫn nại luyện tập thì dần dần giấy không bị thủng nữa. Các tờ giấy trên mặt cát bị lấy dần ra. Đến khi mặt đường chỉ còn cát mà chạy không có dấu chân thì khinh công đã luyện được đại thành. Lúc bấy giờ bỏ hết chì buộc ở chân ra mà chạy trên cỏ thì chẳng hề di động, cho đến chạy trên tuyết cũng không in dấu vết, băng qua nước cũng không gợn sóng.

Tuy nhiên, võ sư Nam Anh cũng lưu ý rằng “Được công phu đó ít ra ta cũng mất mười, hay hai mươi năm chuyên luyện” chứ không phải ngày một ngày hai mà thành. 

Võ sư Hồ Tường trong cuốn Tìm hiểu võ cổ truyền Việt Nam cũng trình bày một phương pháp luyện khinh công bằng cách tập nhảy. Cũng với cách đeo thêm vật nặng vào chân rồi đào một cái hố sâu rồi ở dưới hố nhảy lên mặt đất hoặc đứng dưới đất nhảy lên một bậc cao. Qua năm tháng thì lại tăng thêm độ sâu hoặc độ cao của mục tiêu và tăng trọng lượng vật nặng buộc vào chân. Phương pháp tuy đơn giản song võ sư Hồ Tường lưu ý rằng phải luyện tập hàng ngày không được bỏ dở. Cái hay của nó là việc tập luyện thường xuyên và lâu dài mới mong thành tựu.

Từ phương pháp của hai võ sư trên lại nhớ đến câu chuyện truyền khẩu về việc tập luyện của tướng quân Phạm Ngũ Lão. Người ta kể rằng trong thời gian ông xin vua về quê 3 tháng, hàng ngày ông bỏ cát vào hai ống quần rồi buộc túm lại để tập nhảy qua các gò đống ở quê. Nhờ việc tập luyện ấy nên khi vào kinh đấu võ ông mới có thể nhảy nhót như chim mà đánh thắng các cao thủ trong cung.

Thiết nghĩ các phương pháp trên hoàn toàn có cơ sở khoa học chứ không phải chuyện huyễn hoặc. Cứ mang vật nặng tập nhảy tập đi như thế thì trước hết chân sẽ rất khỏe và sức bật ngày càng tăng. Thân thể phải giữ thăng bằng trong bài tập trên ang hoặc phải lao lên không trong bài tập nhảy nên cũng dần nhẹ nhàng hơn. Quan trọng hơn hết là sự luyện tập ngày này nối tiếp ngày kia mới bồi đắp được sức lực và kỹ thuật ngày một tăng tiến đến mức có thể chạy trên nước hay nhún chân nhảy qua tường. Cơ thể con người là một hệ thống thích nghi tuyệt diệu, cứ kiên trì luyện tập ắt có ngày thành tựu.

Trong chương trình Chuyện lạ Việt Nam, mấy năm trước các võ sư phái Lâm Sơn Động (Hà Tây cũ) đã chạy trên mặt nước với một lớp cót dải dưới mặt nước. Tuy chưa thể chạy trên mặt nước không nhưng như thế cũng cho thấy chuyện khinh công không phải là huyễn hoặc. 

(Theo kienthuc.net.vn)

Wednesday, July 3, 2013

Dương Trừng Phủ giảng về yếu quyết tập Thái Cực Quyền


(Dương Trừng Phủ truyền khẩu, Trương Hồng Quỳ chép lại )

Quyền thuật của Trung quốc, tuy có nhiều môn phái khác nhau, phải biết đều là những kỹ thuật có ngụ triết lý trong đó, từ xưa tới giờ, đã từng có kẻ đem tinh lực cả đời ra tập luyện, mà vẫn không được đến chỗ huyền diệu, kẻ học chỉ biết bỏ phí ra một ngày công phu thì sẽ được một ngày hiệu quả, ngày qua tháng lại, rồi sẽ có lúc tới nơi.
Dương Trừng Phủ trong thế Đơn tiên
Thái cực quyền, là trong nhu có ngụ cái cương, là nghệ thuật dấu kim trong bông gòn (miên lý tàng châm), về phương diện kỹ thuật, sinh lý hoặc lực học đều có nguyên lý tương đương. Do đó kẻ mài cứu Thái cực quyền phải qua các giai đoạn, trình độ, tuy có lương sư chỉ dạy, bạn tốt chỉ nhau, cũng không phải thiếu, nhưng quan trọng nhất là tự mình đào luyện lấy theo thời gian, nếu không cả ngày ngồi đàm luận, suy nghĩ tháng năm, đến lúc giao thủ, chẳng có gì cả, rõ ràng là kẻ đứng ngoài cửa, chẳng có tý công phu gì. Cổ nhân nói là "chung tư vô ích, bất như học dã" (Khổng tử: suy nghĩ hoài cũng vô ích, không bằng học). Nếu được sớm tối không ngơi nghỉ, nóng lạnh không xê dịch, một khi có ý lập tức luyện quyền, vô luận lão ấu nam nữ, đến lúc thành tựu đều như nhaụ

Lúc sau này, những kẻ tập luyện Thái cực quyền, từ bắc tới nam, càng ngày càng đông, không khỏi mừng thầm dùm cho bước đường tương lai của vũ thuật. Tuy nhiên, trong những người ấy, không thiếu những người chuyên tâm khổ luyện, thành tâm trí chí học tập, tương lai sẽ đi đến mức độ không thể hạn lượng; song thường thường thì không khỏi rơi vào hai con đường: một là có thiên tài cụ bẩm, tuổi tác năng lực lại mạnh, học một hiểu ba, đốn ngộ xuất quần, tiếc thay hơi có tý thành tựu, giữa đường đã ngừng, chưa được hiểu đến nơi đến chốn. Hai là những kẻ mong được hiệu quả nhanh chóng, hốt lược cho xong, chưa xong một năm, quyền, kiếm, đao, thương đều học hết cả, tuy có thể y dạng hồ lô, nhưng thực tế chưa lãnh hội đến "tam muội" (chỉ nguyên lý), đến khi khảo sát phương hướng, động tác, trên dưới, ngoài trong, đều chưa được hợp độ, nếu như muốn cải chính, thì thức nào cũng phải đổi, với lại sáng đổi, chiều lại quên đi mất. Bởi vậy mới có câu: "Tập quyền thì dễ mà đổi thì khó" (Tập quyền dung dị cải quyền nan). Lý do có câu ấy cũng vì muốn mong thành cho nhanh mà ra. Những người ấy, đã sai lại dạy sai, ắt sẽ hư người khác, thật là một cái nguy cho tiền đồ vũ thuật.

Mới học Thái cực quyền, trước tiên là học quyền giá (chiêu thức). Gọi là quyền giá, tức là chiếu theo quyền phổ, thầy dạy từng chiêu một, người học tĩnh tâm im lặng suy nghĩ tìm tòi, theo đó mà làm. Lúc này người học phải chú ý trong ngoài và trên dưới; "Trong" là nói đến "dùng ý, không dùng lực"; "dưới" là nói "khí trầm đan điền"; "thượng" là nói "hư linh đỉnh kình"; "ngoài" là nói chu thân nhẹ nhàng linh động, liên quán từ chân đến bắp chân đến eo lưng, chìm vai gập cùi chỏ. Mới học là chỉ có mấy câu đó, sáng tối tìm tòi, mà hiểu ra, mỗi chiêu mỗi thức phải cần tỷ mỷ quan trọng ở chính xác. Tập luyện thuần thục xong rồi mới đi qua chiêu mới, cho đến lúc học xong hết, như vậy thì mới không có chuyện cải chính, lâu ngày không đến việc phải thay đổi yếu quyết.

Lúc tập luyện vận hành, chu thân cốt tiết, phải để tung khai tự nhiên. Một là miệng và bụng không được nín hơi, hai là tứ chi eo lưng, không được dùng sức lực. Hai câu này, những kẻ học quyền thuật nội gia, ai cũng nói được, mà đến lúc cử động, chuyển thân, chân đá, hay xoay lưng, hơi thở dồn dập, thân thể lung lay, lỗi là do nín thở hoặc dùng sức lực nhĩ.

(1) Lúc luyện tập, đầu không được nghiêng hoặc chồm tới hoặc ngửa ra sau, "đỉnh đầu huyền" có nghĩa là như có cái gì treo đầu lên, kỵ nhất là thẳng cứng, do đó mà nói là "treo". Ánh mắt tuy nhiên nhìn thẳng ra trước, nhưng có lúc phải tùy theo thân pháp mà chuyển động, thị tuyến tuy nhìn hư không, nhưng cũng là một trong những động tác biến hóa khẩn yếu, và cũng để bổ sung vào chỗ không đủ của thân pháp và thủ pháp. Miệng thì như mở mà không mở, như đóng mà không đóng, miệng thở ra, mủi hít vào, theo tự nhiên. Nếu dưới lưỡi có nước miếng thì tùy lúc mà nuốt đi, đừng nhổ bỏ

(2) Thân thể phải ngay thẳng mà không dựa vào, xương sống và xương cụt, phải một đường thẳng đứng mà không nghiêng, lúc gặp biến hóa khai (mở ra) và hợp (đóng lại) thì có những hoạt động "hàm hung bạt bối" (thóp ngực dãn lưng), "trầm kiên trụy trửu" (hạ vai chìm cùi chỏ), lúc mới học phải thật chú ý, nếu không lâu ngày sẽ khó mà sửa đổi, tất sẽ bị vụng chậm, công phu dù có thâm, khó mà đi đến chỗ dùng được hỷ

(3) Hai cánh tay xương cốt phải tung khai, vai hạ xuống, cùi chỏ không nên khúc, bàn tay phải hơi duỗi ra, ngón tay hơi cong, lấy ý vận cánh tay, lấy khí dẫn qua ngón tay, ngày tích tháng dồn , nội kình sẽ thông linh, huyền diệu rồi sẽ sinh ra thôi

(4) Hai chân phải phân biệt hư và thực, nhấc lên đặt xuống như mèo đi, trọng lượng đi qua bên trái, thì bên trái thực, mà chân phải thì gọi là hư; đi qua bên phải, thì bên phải thực, mà chân trái gọi là hư. Gọi là hư, mà thực ra không phải là "không có gì", thế như là đã xong mà còn dư lại ý có thể biến hóa co lại hoặc duỗi ra. Còn gọi là thực, chỉ có nghĩa là "xác thực" thôi, không phải là dùng kình quá cỡ, hoặc dùng sức quá mãnh liệt. Do đó mà chân cong lại tới thẳng đứng gọi là tiến, đi quá nữa thành ra quá kình, thân thể phải chồm tới, thành mất đi tư thế ngay thẳng

(5) Bàn chân phải phân rõ ràng đá mủi chân (quyền phổ có chiêu tả hữu phân cước) và đá bằng bàn chân, đá mủi thì phải chú ý mủi chân, đá bàn chân thì phải chú ý bàn chân, ý đi tới thì khí đi tới, khí tới thì kình sẽ tới, mà cốt tiết phải tung khai bình ổn mà đá rạ Lúc này rất dễ bị đá dùng sức, thân thể bẻ ngang dọc không vững vàng, đá ra cũng không có sức nhĩ

Thứ tự lúc học Thái cực quyền, trước tiên là học chiêu thức (đi quyền), như là Thái cực quyền, Thái cực trường quyền; sau đó là "đơn thủ thôi thủ" (đẩy một tay), rồi "nguyên địa thôi thủ" (đứng yên đẩy tay), "hoạt bộ thôi thủ" (đi qua lại đẩy tay), "đại lý" (kéo), "tán thủ" (hất ra); Sau đó là khí giới, như Thái cực kiếm, Thái cực đao, Thái cực thương (thập tam thương) v.v.

Thời gian tập luyện, mỗi sáng dậy tập hai lần, nếu sau đó rãnh, thì trước khi ngủ tập hai lần. Trong một ngày, nên luyệng bảy tám lần, ít nhất sáng một lần tối một lần. Tuy nhiên kỵ không nên tập sau khi uống rượu, ăn no.

Địa điểm tập luyện, lấy sân trước hoặc sân sau, chỗ thoáng khí, nhiều ánh sáng là tốt nhất. Kỵ ánh sánh chiếu thẳng hoặc gió lớn hoặc chỗ tối ẩm ướt, bởi vì thân thể một khi vận động, hô hấp sẽ sâu và dài, do đó mà gió lớn hoặc hơi ẩm mà chạy vào sâu trong bụng sẽ có hại cho phủ tạng, dễ đi đến chỗ bị bệnh. Quần áo lúc tập luyện, nên rộng rãi, ngắn, giày thì mủi rộng. Lúc luyện kình nếu ra mồ hôi, phải kỵ không được cởi áo ở trần, hoặc dùng nước lạnh chùi, nếu không sẽ không chừng bị bệnh

(Theo Levanchuan.com)