Nhân vật võ thuật

Wednesday, July 3, 2013

Dương Trừng Phủ giảng về yếu quyết tập Thái Cực Quyền


(Dương Trừng Phủ truyền khẩu, Trương Hồng Quỳ chép lại )

Quyền thuật của Trung quốc, tuy có nhiều môn phái khác nhau, phải biết đều là những kỹ thuật có ngụ triết lý trong đó, từ xưa tới giờ, đã từng có kẻ đem tinh lực cả đời ra tập luyện, mà vẫn không được đến chỗ huyền diệu, kẻ học chỉ biết bỏ phí ra một ngày công phu thì sẽ được một ngày hiệu quả, ngày qua tháng lại, rồi sẽ có lúc tới nơi.
Dương Trừng Phủ trong thế Đơn tiên
Thái cực quyền, là trong nhu có ngụ cái cương, là nghệ thuật dấu kim trong bông gòn (miên lý tàng châm), về phương diện kỹ thuật, sinh lý hoặc lực học đều có nguyên lý tương đương. Do đó kẻ mài cứu Thái cực quyền phải qua các giai đoạn, trình độ, tuy có lương sư chỉ dạy, bạn tốt chỉ nhau, cũng không phải thiếu, nhưng quan trọng nhất là tự mình đào luyện lấy theo thời gian, nếu không cả ngày ngồi đàm luận, suy nghĩ tháng năm, đến lúc giao thủ, chẳng có gì cả, rõ ràng là kẻ đứng ngoài cửa, chẳng có tý công phu gì. Cổ nhân nói là "chung tư vô ích, bất như học dã" (Khổng tử: suy nghĩ hoài cũng vô ích, không bằng học). Nếu được sớm tối không ngơi nghỉ, nóng lạnh không xê dịch, một khi có ý lập tức luyện quyền, vô luận lão ấu nam nữ, đến lúc thành tựu đều như nhaụ

Lúc sau này, những kẻ tập luyện Thái cực quyền, từ bắc tới nam, càng ngày càng đông, không khỏi mừng thầm dùm cho bước đường tương lai của vũ thuật. Tuy nhiên, trong những người ấy, không thiếu những người chuyên tâm khổ luyện, thành tâm trí chí học tập, tương lai sẽ đi đến mức độ không thể hạn lượng; song thường thường thì không khỏi rơi vào hai con đường: một là có thiên tài cụ bẩm, tuổi tác năng lực lại mạnh, học một hiểu ba, đốn ngộ xuất quần, tiếc thay hơi có tý thành tựu, giữa đường đã ngừng, chưa được hiểu đến nơi đến chốn. Hai là những kẻ mong được hiệu quả nhanh chóng, hốt lược cho xong, chưa xong một năm, quyền, kiếm, đao, thương đều học hết cả, tuy có thể y dạng hồ lô, nhưng thực tế chưa lãnh hội đến "tam muội" (chỉ nguyên lý), đến khi khảo sát phương hướng, động tác, trên dưới, ngoài trong, đều chưa được hợp độ, nếu như muốn cải chính, thì thức nào cũng phải đổi, với lại sáng đổi, chiều lại quên đi mất. Bởi vậy mới có câu: "Tập quyền thì dễ mà đổi thì khó" (Tập quyền dung dị cải quyền nan). Lý do có câu ấy cũng vì muốn mong thành cho nhanh mà ra. Những người ấy, đã sai lại dạy sai, ắt sẽ hư người khác, thật là một cái nguy cho tiền đồ vũ thuật.

Mới học Thái cực quyền, trước tiên là học quyền giá (chiêu thức). Gọi là quyền giá, tức là chiếu theo quyền phổ, thầy dạy từng chiêu một, người học tĩnh tâm im lặng suy nghĩ tìm tòi, theo đó mà làm. Lúc này người học phải chú ý trong ngoài và trên dưới; "Trong" là nói đến "dùng ý, không dùng lực"; "dưới" là nói "khí trầm đan điền"; "thượng" là nói "hư linh đỉnh kình"; "ngoài" là nói chu thân nhẹ nhàng linh động, liên quán từ chân đến bắp chân đến eo lưng, chìm vai gập cùi chỏ. Mới học là chỉ có mấy câu đó, sáng tối tìm tòi, mà hiểu ra, mỗi chiêu mỗi thức phải cần tỷ mỷ quan trọng ở chính xác. Tập luyện thuần thục xong rồi mới đi qua chiêu mới, cho đến lúc học xong hết, như vậy thì mới không có chuyện cải chính, lâu ngày không đến việc phải thay đổi yếu quyết.

Lúc tập luyện vận hành, chu thân cốt tiết, phải để tung khai tự nhiên. Một là miệng và bụng không được nín hơi, hai là tứ chi eo lưng, không được dùng sức lực. Hai câu này, những kẻ học quyền thuật nội gia, ai cũng nói được, mà đến lúc cử động, chuyển thân, chân đá, hay xoay lưng, hơi thở dồn dập, thân thể lung lay, lỗi là do nín thở hoặc dùng sức lực nhĩ.

(1) Lúc luyện tập, đầu không được nghiêng hoặc chồm tới hoặc ngửa ra sau, "đỉnh đầu huyền" có nghĩa là như có cái gì treo đầu lên, kỵ nhất là thẳng cứng, do đó mà nói là "treo". Ánh mắt tuy nhiên nhìn thẳng ra trước, nhưng có lúc phải tùy theo thân pháp mà chuyển động, thị tuyến tuy nhìn hư không, nhưng cũng là một trong những động tác biến hóa khẩn yếu, và cũng để bổ sung vào chỗ không đủ của thân pháp và thủ pháp. Miệng thì như mở mà không mở, như đóng mà không đóng, miệng thở ra, mủi hít vào, theo tự nhiên. Nếu dưới lưỡi có nước miếng thì tùy lúc mà nuốt đi, đừng nhổ bỏ

(2) Thân thể phải ngay thẳng mà không dựa vào, xương sống và xương cụt, phải một đường thẳng đứng mà không nghiêng, lúc gặp biến hóa khai (mở ra) và hợp (đóng lại) thì có những hoạt động "hàm hung bạt bối" (thóp ngực dãn lưng), "trầm kiên trụy trửu" (hạ vai chìm cùi chỏ), lúc mới học phải thật chú ý, nếu không lâu ngày sẽ khó mà sửa đổi, tất sẽ bị vụng chậm, công phu dù có thâm, khó mà đi đến chỗ dùng được hỷ

(3) Hai cánh tay xương cốt phải tung khai, vai hạ xuống, cùi chỏ không nên khúc, bàn tay phải hơi duỗi ra, ngón tay hơi cong, lấy ý vận cánh tay, lấy khí dẫn qua ngón tay, ngày tích tháng dồn , nội kình sẽ thông linh, huyền diệu rồi sẽ sinh ra thôi

(4) Hai chân phải phân biệt hư và thực, nhấc lên đặt xuống như mèo đi, trọng lượng đi qua bên trái, thì bên trái thực, mà chân phải thì gọi là hư; đi qua bên phải, thì bên phải thực, mà chân trái gọi là hư. Gọi là hư, mà thực ra không phải là "không có gì", thế như là đã xong mà còn dư lại ý có thể biến hóa co lại hoặc duỗi ra. Còn gọi là thực, chỉ có nghĩa là "xác thực" thôi, không phải là dùng kình quá cỡ, hoặc dùng sức quá mãnh liệt. Do đó mà chân cong lại tới thẳng đứng gọi là tiến, đi quá nữa thành ra quá kình, thân thể phải chồm tới, thành mất đi tư thế ngay thẳng

(5) Bàn chân phải phân rõ ràng đá mủi chân (quyền phổ có chiêu tả hữu phân cước) và đá bằng bàn chân, đá mủi thì phải chú ý mủi chân, đá bàn chân thì phải chú ý bàn chân, ý đi tới thì khí đi tới, khí tới thì kình sẽ tới, mà cốt tiết phải tung khai bình ổn mà đá rạ Lúc này rất dễ bị đá dùng sức, thân thể bẻ ngang dọc không vững vàng, đá ra cũng không có sức nhĩ

Thứ tự lúc học Thái cực quyền, trước tiên là học chiêu thức (đi quyền), như là Thái cực quyền, Thái cực trường quyền; sau đó là "đơn thủ thôi thủ" (đẩy một tay), rồi "nguyên địa thôi thủ" (đứng yên đẩy tay), "hoạt bộ thôi thủ" (đi qua lại đẩy tay), "đại lý" (kéo), "tán thủ" (hất ra); Sau đó là khí giới, như Thái cực kiếm, Thái cực đao, Thái cực thương (thập tam thương) v.v.

Thời gian tập luyện, mỗi sáng dậy tập hai lần, nếu sau đó rãnh, thì trước khi ngủ tập hai lần. Trong một ngày, nên luyệng bảy tám lần, ít nhất sáng một lần tối một lần. Tuy nhiên kỵ không nên tập sau khi uống rượu, ăn no.

Địa điểm tập luyện, lấy sân trước hoặc sân sau, chỗ thoáng khí, nhiều ánh sáng là tốt nhất. Kỵ ánh sánh chiếu thẳng hoặc gió lớn hoặc chỗ tối ẩm ướt, bởi vì thân thể một khi vận động, hô hấp sẽ sâu và dài, do đó mà gió lớn hoặc hơi ẩm mà chạy vào sâu trong bụng sẽ có hại cho phủ tạng, dễ đi đến chỗ bị bệnh. Quần áo lúc tập luyện, nên rộng rãi, ngắn, giày thì mủi rộng. Lúc luyện kình nếu ra mồ hôi, phải kỵ không được cởi áo ở trần, hoặc dùng nước lạnh chùi, nếu không sẽ không chừng bị bệnh

(Theo Levanchuan.com)

No comments:
Write nhận xét