Diệp Vấn đã dạy Lý Tiểu Long từ một kẻ đánh lộn trở thành quý ông
Đây là một bài báo đăng trên tờ South China Morning Post ghi lại lời võ sư Lư Văn Cẩm - cháu gọi Diệp Vấn bằng cậu và cũng là một trong những học trò đầu tiên của Diệp Vấn ở Hong Kong.
Tôi sinh ở Hong Kong năm 1933 mặc dù nhiều thập kỷ tôi sống ở Đài Loan - nơi tôi đã dạy Vịnh Xuân công phu. Đầu thập niên 1950, khi tôi chưa đủ 18 tuổi, tôi bắt đầu học Vịnh Xuân ở Hong Kong với cậu em ruột mẹ tôi là Diệp Vấn.
Diệp Vấn bắt đầu học võ khi mới 7 tuổi. Vào cuối năm 1949, ông đã đi từ Canton đến Macau và sau đó tới Hong Kong. Trung Quốc đã bị Đảng Cộng sản chinh phục trong cuộc nội chiến. Diệp Vấn từng là một đại tá cảnh sát và bị rơi vào nguy hiểm sau sự thay đổi chính phủ cho nên ông phải chạy trốn. May mắn là ông có một người bạn tốt ở Hong Kong là Li Man - người cũng là bạn của cha tôi. Ba người họ có quen biết từ thời ở Phật Sơn - miền Nam Trung Quốc, nơi xuất phát của gia đình tôi.
Bản thân Phật Sơn có một lịch sử phiến loạn. Khi thành phố nằm dưới quyền kiểm soát của nhà Thanh hơn 100 năm trước, triều đình này đã tới từ phía Bắc và người Phật Sơn miền Nam ghét họ. Vì thế người dân học công phu như một phương tiện để chống lại triều đình. Đó là lý do vì sao võ thuật chảy trong dòng máu của gia đình tôi.
Trong Tết nguyên đán 1950, tôi đến Hiệp hội Vịnh Xuân lần đầu tiên với cậu. Chỉ có 5 hoặc 6 học sinh trong lớp đầu tiên. Mọi người luôn hỏi “Nếu Diệp Vấn vĩ đại như vậy, vì sao ông ấy có quá ít học trò?”. Lý do là chỉ các thành viên hiệp hội mới có thể vào học và để thành thành viên bạn phải trả tiền. Tôi không phải là một thành viên nhưng vì Diệp Vấn là cậu tôi nên tôi được phép tham dự.
Mọi buổi tối sau khi tôi kết thúc buổi tập, tất cả chúng tôi ngồi xuống quanh một cái bàn và ăn tối đơn giản với nhau. Đầu thập niên 1950, dân Hong Kong rất nghèo. Nhưng chúng tôi vẫn có thể ngồi quanh chiếc bàn như những anh em và nói về những gì chúng tôi đã học trong ngày đó. Diệp Vấn không nghĩ lớp học của ông như một món kinh doanh mà là một cách để giúp đỡ học trò - những người mà ông đối xử như người thân. Không có thứ bậc trong lớp của ông, mọi người đều bình đẳng. Trong số những học sinh đầu tiên, tôi là người duy nhất bây giờ còn sống.
Lý Tiểu Long tham gia lớp của cậu tôi năm 1956. Khi đó cậu ấy 16 tuổi. Lúc đó lớp ở tại Li Da Jie (đường Lei Tat trong khu Yau Ma Tei). Lý chưa từng học Vịnh Xuân trước đó. Cậu ta đã đánh lộn trên phố nhiều nhưng chưa bao giờ thắng. Sau đó, tôi đã hướng dẫn cậu ta cùng với cậu tôi. Lý đã khổ luyện chăm chỉ nhưng cậu ta vài lần sử dụng nó để làm tổn thương người khác và Diệp Vấn đã trách mắng, nói rằng “Cậu đang học công phu chứ không phải học để đánh lộn”. Lý đã nghe lời. Cậu ta đến hàng ngày vào lớp buổi sáng.
Một lần, Lý đứng ở đầu cầu thang sau lớp học. Khi lớp buổi chiều đến, cậu ta bảo họ rằng sư phụ nói rằng hôm nay là ngày nghỉ và lớp bị hủy. Thực ra cậu ta muốn lớp buổi chiều không còn ai để cậu ta có thể học một mình với sư phụ. Diệp Vấn hỏi cậu ta: “Mọi người đâu rồi?” thì Lý nói: “Con không biết. Có thể họ lười biếng. Sư phụ chỉ dạy con có được không?”. Cậu ta đã quá say mê võ thuật. Nhưng Diệp Vấn cũng đã cố gắng dạy cậu ta làm sao để thành một quý ông.
Diệp Vấn đã hy vọng rằng Vịnh Xuân có thể lan tới mọi ngóc ngách của thế giới và đó là nhiệm vụ mà ông truyền cho tôi. Tôi đến Đài Loan cuối thập niên 1960, sau 10 năm học Vịnh Xuân với Diệp Vấn. Tôi vào đại học, trước tiên học kỹ sư điện, sau đó vào học viện quân sự. Mọi sinh viên đã học tại học viện đó phải phục vụ trong quân đội 10 năm sau khi kết thúc khóa học. Tôi ở trong quân đội cho đến khi tôi lên cấp Thiếu tá.
Trong thời gian đó tôi bắt đầu nhận ra mọi thứ có thể được giải thích thông qua võ thuật, bởi vì động tác võ thuật liên quan đến vật lý và toán học. Công phu không phải là để gây tổn thương người khác, nó là sự truyền tải tri thức từ người thầy đến học trò. Tôi đã đọc nhiều sách, kết hợp những lời dạy của sách với việc đào tạo võ thuật của mình.
Vịnh Xuân không phải là để đánh lộn mà là để tránh phải đánh nhau - nếu bạn không đánh nhau, bạn sẽ không thể thua. Một người không được xét đoán qua sức mạnh và khả năng đánh lộn mà qua tâm hồn. Sau khi rời quân ngũ, tháng 1/1975, tôi bắt đầu dạy võ ở quận Songshan của Đài Bắc và tôi đã làm việc này hơn 40 năm qua.
Mọi người từ hơn 50 nước đã đến để học võ trên sân thượng nhà tôi. Tôi giữ ảnh chụp các học trò hiện tại của tôi trên một cái bảng. Tôi chụp những bức ảnh ngày đầu tiên học tập của họ và viết tên họ xuống dưới cùng ngày tập ở trên. Người học trò lớn tuổi nhất của tôi là 78 tuổi. Ông ấy đến tập 1 lần 1 tuần và đi tàu hỏa từ Changhua đến Đài Bắc. Học trò trẻ nhất của tôi mới 7 tuổi và một người học trò đã học với tôi từ 1980.
Một số học trò ngoại quốc đã ra mở võ đường Vịnh Xuân ở Pháp, Anh, Đức, Áo, Hungary, Slovenia. Đó là dấu mốc của một người thầy tốt. Một sư phụ giỏi muốn học trò của mình vượt qua ông ấy. Tôi thậm chí đã dạy cháu trai trẻ nhất của Tưởng Giới Thạch. Nhiều người Đài Loan không vui vì điều đó. Bất kỳ ai đến với tôi, tôi phải dạy họ bất kể thân thế của họ là gì. Con đường của tôi là mở rộng Vịnh Xuân ra thế giới.
Bây giờ tôi đã 86 tuổi, tôi không muốn dành quá nhiều thời gian cho giảng dạy. Tôi vẫn có hơn 60 học trò và vẫn dạy họ mỗi buổi sáng. Một số học trò chỉ đến một hoặc 2 lần một tuần. Một số ít đến hàng ngày mặc dù tôi thích họ làm như vậy để có thể học nhanh hơn. Tôi đã cố gắng giải thích nhiều điều cho học trò theo khoa học, chẳng hạn cách để di chuyển chân của họ sử dụng hình học để cho thấy khi nào họ có thể ở vào nguy hiểm vì cự ly của họ đến đối thủ.
Trong phương pháp của tôi, không có “tưởng là”, không có “có lẽ”. Chỉ có “bởi vì”. Tôi dạy họ rằng một người sẽ không bao giờ tấn công và nói “này, tôi sẽ sử dụng quyền anh. Hãy sẵn sàng”. Không. Tại sao kẻ móc túi có thể lấy trộm được tiền của bạn? Bởi vì bạn không biết anh ta ở đó hoặc anh ta đang làm gì.
Có hai điều lưu giữ động lực cho tôi. Thứ nhất, tôi vẫn cần kiếm tiền để sinh sống và thuê nhà. Ngôi nhà này không phải của tôi. Tôi cũng có một người phụ tá ở lớp mà tôi phải trả lương. Và thứ hai, tôi cần chăm sóc thân thể mình. Tôi cũng muốn truyền bá võ thuật đến mọi người trên thế giới như tôi đã hứa với sư phụ Diệp Vấn. Đó là một lời hứa mà tôi phải giữ.
Mọi người hỏi liệu tiếp tục như vậy có khó khăn ở tuổi của tôi nhưng tôi yêu thích nó và tôi đã quen với cuộc sống thế này. Như Diệp Vấn, tôi không nghĩ võ thuật là một việc kinh doanh. Tôi có thể nghèo nhưng tôi truyền bá tri thức của mình cho học trò và nó làm tôi hạnh phúc. Tôi không đặc biệt nhưng cách nghĩ của tôi là đặc biệt.
Nguồn: https://www.scmp.com/magazines/post-magazine/long-reads/article/2186246/me-and-my-uncle-ip-man-taught-bruce-lee-wing-chun