Nhân vật võ thuật

Sunday, February 17, 2019

Diệp Vấn đã dạy Lý Tiểu Long từ một kẻ đánh lộn trở thành quý ông

Đây là một bài báo đăng trên tờ South China Morning Post ghi lại lời võ sư Lư Văn Cẩm - cháu gọi Diệp Vấn bằng cậu và cũng là một trong những học trò đầu tiên của Diệp Vấn ở Hong Kong. 

Tôi sinh ở Hong Kong năm 1933 mặc dù nhiều thập kỷ tôi sống ở Đài Loan - nơi tôi đã dạy Vịnh Xuân công phu. Đầu thập niên 1950, khi tôi chưa đủ 18 tuổi, tôi bắt đầu học Vịnh Xuân ở Hong Kong với cậu em ruột mẹ tôi là Diệp Vấn. 


Diệp Vấn bắt đầu học võ khi mới 7 tuổi. Vào cuối năm 1949, ông đã đi từ Canton đến Macau và sau đó tới Hong Kong. Trung Quốc đã bị Đảng Cộng sản chinh phục trong cuộc nội chiến. Diệp Vấn từng là một đại tá cảnh sát và bị rơi vào nguy hiểm sau sự thay đổi chính phủ cho nên ông phải chạy trốn. May mắn là ông có một người bạn tốt ở Hong Kong là Li Man - người cũng là bạn của cha tôi. Ba người họ có quen biết từ thời ở Phật Sơn - miền Nam Trung Quốc, nơi xuất phát của gia đình tôi. 

Bản thân Phật Sơn có một lịch sử phiến loạn. Khi thành phố nằm dưới quyền kiểm soát của nhà Thanh hơn 100 năm trước, triều đình này đã tới từ phía Bắc và người Phật Sơn miền Nam ghét họ. Vì thế người dân học công phu như một phương tiện để chống lại triều đình. Đó là lý do vì sao võ thuật chảy trong dòng máu của gia đình tôi. 



Trong Tết nguyên đán 1950, tôi đến Hiệp hội Vịnh Xuân lần đầu tiên với cậu. Chỉ có 5 hoặc 6 học sinh trong lớp đầu tiên. Mọi người luôn hỏi “Nếu Diệp Vấn vĩ đại như vậy, vì sao ông ấy có quá ít học trò?”. Lý do là chỉ các thành viên hiệp hội mới có thể vào học và để thành thành viên bạn phải trả tiền. Tôi không phải là một thành viên nhưng vì Diệp Vấn là cậu tôi nên tôi được phép tham dự. 

Mọi buổi tối sau khi tôi kết thúc buổi tập, tất cả chúng tôi ngồi xuống quanh một cái bàn và ăn tối đơn giản với nhau. Đầu thập niên 1950, dân Hong Kong rất nghèo. Nhưng chúng tôi vẫn có thể ngồi quanh chiếc bàn như những anh em và nói về những gì chúng tôi đã học trong ngày đó. Diệp Vấn không nghĩ lớp học của ông như một món kinh doanh mà là một cách để giúp đỡ học trò - những người mà ông đối xử như người thân. Không có thứ bậc trong lớp của ông, mọi người đều bình đẳng. Trong số những học sinh đầu tiên, tôi là người duy nhất bây giờ còn sống. 


Lý Tiểu Long tham gia lớp của cậu tôi năm 1956. Khi đó cậu ấy 16 tuổi. Lúc đó lớp ở tại Li Da Jie (đường Lei Tat trong khu Yau Ma Tei). Lý chưa từng học Vịnh Xuân trước đó. Cậu ta đã đánh lộn trên phố nhiều nhưng chưa bao giờ thắng. Sau đó, tôi đã hướng dẫn cậu ta cùng với cậu tôi. Lý đã khổ luyện chăm chỉ nhưng cậu ta vài lần sử dụng nó để làm tổn thương người khác và Diệp Vấn đã trách mắng, nói rằng “Cậu đang học công phu chứ không phải học để đánh lộn”. Lý đã nghe lời. Cậu ta đến hàng ngày vào lớp buổi sáng. 

Một lần, Lý đứng ở đầu cầu thang sau lớp học. Khi lớp buổi chiều đến, cậu ta bảo họ rằng sư phụ nói rằng hôm nay là ngày nghỉ và lớp bị hủy. Thực ra cậu ta muốn lớp buổi chiều không còn ai để cậu ta có thể học một mình với sư phụ. Diệp Vấn hỏi cậu ta: “Mọi người đâu rồi?” thì Lý nói: “Con không biết. Có thể họ lười biếng. Sư phụ chỉ dạy con có được không?”. Cậu ta đã quá say mê võ thuật. Nhưng Diệp Vấn cũng đã cố gắng dạy cậu ta làm sao để thành một quý ông. 



Diệp Vấn đã hy vọng rằng Vịnh Xuân có thể lan tới mọi ngóc ngách của thế giới và đó là nhiệm vụ mà ông truyền cho tôi. Tôi đến Đài Loan cuối thập niên 1960, sau 10 năm học Vịnh Xuân với Diệp Vấn. Tôi vào đại học, trước tiên học kỹ sư điện, sau đó vào học viện quân sự. Mọi sinh viên đã học tại học viện đó phải phục vụ trong quân đội 10 năm sau khi kết thúc khóa học. Tôi ở trong quân đội cho đến khi tôi lên cấp Thiếu tá. 

Trong thời gian đó tôi bắt đầu nhận ra mọi thứ có thể được giải thích thông qua võ thuật, bởi vì động tác võ thuật liên quan đến vật lý và toán học. Công phu không phải là để gây tổn thương người khác, nó là sự truyền tải tri thức từ người thầy đến học trò. Tôi đã đọc nhiều sách, kết hợp những lời dạy của sách với việc đào tạo võ thuật của mình. 

Vịnh Xuân không phải là để đánh lộn mà là để tránh phải đánh nhau - nếu bạn không đánh nhau, bạn sẽ không thể thua. Một người không được xét đoán qua sức mạnh và khả năng đánh lộn mà qua tâm hồn. Sau khi rời quân ngũ, tháng 1/1975, tôi bắt đầu dạy võ ở quận Songshan của Đài Bắc và tôi đã làm việc này hơn 40 năm qua. 


Mọi người từ hơn 50 nước đã đến để học võ trên sân thượng nhà tôi. Tôi giữ ảnh chụp các học trò hiện tại của tôi trên một cái bảng. Tôi chụp những bức ảnh ngày đầu tiên học tập của họ và viết tên họ xuống dưới cùng ngày tập ở trên. Người học trò lớn tuổi nhất của tôi là 78 tuổi. Ông ấy đến tập 1 lần 1 tuần và đi tàu hỏa từ Changhua đến Đài Bắc. Học trò trẻ nhất của tôi mới 7 tuổi và một người học trò đã học với tôi từ 1980. 

Một số học trò ngoại quốc đã ra mở võ đường Vịnh Xuân ở Pháp, Anh, Đức, Áo, Hungary, Slovenia. Đó là dấu mốc của một người thầy tốt. Một sư phụ giỏi muốn học trò của mình vượt qua ông ấy. Tôi thậm chí đã dạy cháu trai trẻ nhất của Tưởng Giới Thạch. Nhiều người Đài Loan không vui vì điều đó. Bất kỳ ai đến với tôi, tôi phải dạy họ bất kể thân thế của họ là gì. Con đường của tôi là mở rộng Vịnh Xuân ra thế giới. 

Bây giờ tôi đã 86 tuổi, tôi không muốn dành quá nhiều thời gian cho giảng dạy. Tôi vẫn có hơn 60 học trò và vẫn dạy họ mỗi buổi sáng. Một số học trò chỉ đến một hoặc 2 lần một tuần. Một số ít đến hàng ngày mặc dù tôi thích họ làm như vậy để có thể học nhanh hơn. Tôi đã cố gắng giải thích nhiều điều cho học trò theo khoa học, chẳng hạn cách để di chuyển chân của họ sử dụng hình học để cho thấy khi nào họ có thể ở vào nguy hiểm vì cự ly của họ đến đối thủ. 



Trong phương pháp của tôi, không có “tưởng là”, không có “có lẽ”. Chỉ có “bởi vì”. Tôi dạy họ rằng một người sẽ không bao giờ tấn công và nói “này, tôi sẽ sử dụng quyền anh. Hãy sẵn sàng”. Không. Tại sao kẻ móc túi có thể lấy trộm được tiền của bạn? Bởi vì bạn không biết anh ta ở đó hoặc anh ta đang làm gì. 

Có hai điều lưu giữ động lực cho tôi. Thứ nhất, tôi vẫn cần kiếm tiền để sinh sống và thuê nhà. Ngôi nhà này không phải của tôi. Tôi cũng có một người phụ tá ở lớp mà tôi phải trả lương. Và thứ hai, tôi cần chăm sóc thân thể mình. Tôi cũng muốn truyền bá võ thuật đến mọi người trên thế giới như tôi đã hứa với sư phụ Diệp Vấn. Đó là một lời hứa mà tôi phải giữ. 

Mọi người hỏi liệu tiếp tục như vậy có khó khăn ở tuổi của tôi nhưng tôi yêu thích nó và tôi đã quen với cuộc sống thế này. Như Diệp Vấn, tôi không nghĩ võ thuật là một việc kinh doanh. Tôi có thể nghèo nhưng tôi truyền bá tri thức của mình cho học trò và nó làm tôi hạnh phúc. Tôi không đặc biệt nhưng cách nghĩ của tôi là đặc biệt. 

Nguồn: https://www.scmp.com/magazines/post-magazine/long-reads/article/2186246/me-and-my-uncle-ip-man-taught-bruce-lee-wing-chun 

Tuesday, October 16, 2018

Choáng với cao thủ tự luyện thiết bố sam không cần thầy

Kim chung trảo thiết bố sam là một trong những môn ngạnh công hộ thân nổi tiếng nhất của Trung Quốc. 

Truyền thuyết nói người luyện thành kim chung trảo thiết bố sam thì không những có thể chịu được quyền đấm cước đá mà không chút đau đớn, thậm chí các loại đao kiếm phổ thông cũng không thể làm họ bị thương. Thậm chí những người đạt đến trình độ cương khí hộ thể có thể vào nước không chìm, vào lửa không cháy, bế khí không chết, không ăn không đói và những việc mà người thường không thể tưởng tượng được. 

Loại công phu này liệu có thể đạt đến mức đao thương bất nhập được không? Chúng ta hãy xem một vị này. Trong ảnh là một người trung niên đang để cho người khác dùng máy khoan để khoan vào đầu tại khu vực bãi phế liệu phía Đông huyện Lai An, Trừ Châu tỉnh An Huy. 


Người đàn ông này là Võ Tự Cường. Hôm ấy ông đã biểu diễn công phu tuyệt thế bằng cách cho người khác dùng máy khoan khoan vào bụng và huyệt thái dương vài phút nhưng mũi khoan không thể xuyên vào được khiến những người đứng xem xung quanh vô cùng kinh ngạc. 


Võ Tự Cường năm nay 55 tuổi, sống ở thôn Trần Chủy, xã Trương Sơn huyện Lai An. Bình thường ông chủ yếu kinh doanh phế liệu làm nghề sinh sống. 


Từ nhỏ ông đã yêu thích võ thuật. Ông nói bản thân luyện võ thuần túy là vì yêu thích, chưa từng học qua thầy nào. Có một năm ông mắc bệnh đi viện tiêm thuốc, vì căng thẳng làm co cơ bắp khiến cho 3 chiếc kim tiêm bị gãy đến mũi thứ 4 mới tiêm vào được. Từ đó trong lòng nổi lên rất nhiều ảo tưởng bèn lập chí muốn khổ luyện công phu “đao thương bất nhập”. 


Võ Tự Cương thân thể không giống bình thường, có thể trồng chuối hàng chục phút trên nóc nhà rất vững chãi. 


Ngoài ra, ông này còn có “thiết đầu công”, có thể đập một tấm đám cẩm thạch dày 1 cm vào đầu mà không hề bị thương khiến cho người xem kinh sợ.

Theo Toutiao

Giải mã kỹ năng “lật mặt” của Dư Thương Hải trong Tiếu Ngạo Giang Hồ

Nói đến Bành Đăng Hoài, mọi người có thể không hiểu rõ, nhưng nếu nói đến Dư Thương Hải thì chắc chắn nhiều người biết. 


Trong bộ phim Tiếu Ngạo Giang Hồ phiên bản do Lý Á Bằng đóng vai chính, người đóng vai chưởng môn phái Thanh Thành Dư Thương Hải chính là Bành Đăng Hoài. Trong phim ông ta là một người hiểm ác, võ công cao cường và còn có một tuyệt học là môn "lật mặt" tức là biến đổi mặt nạ trên mặt mình. 


Thời đó, khi bộ phim ra mắt, rất nhiều người đều cho rằng kỹ thuật “biến đổi khuôn mặt” là do kỹ xảo hoặc là thay đổi cảnh quay mà tạo thành, nhưng thực ra không phải vậy. Đây hoàn toàn là kỹ năng do Bành Đăng Hoài biểu diễn. Thay đổi khuôn mặt là một thủ pháp trên sân khấu độc đáo của Trung Quốc nhưng người biết làm cũng rất ít vì không truyền dạy rộng rãi. Hồi trẻ, Bành Đăng Hoài muốn bái sư học thủ pháp này nhưng vì thân thể yếu đuối, cho nên không được sư phụ nào nhận cho nên không có cơ hội học. 


Tuy nhiên Bành Đăng Hoài không bỏ cuộc mà âm thầm quan sát các sư phụ thực hiện thủ pháp này, từ hóa trang đến chế tác đạo cụ, năm này qua năm khác, Bành Đăng Hoài không ngừng thử nghiệm, cuối cùng đã nắm vững thủ pháp này. 


Hồi đầu thay đổi khuôn mặt, tốc độ rất chậm và cần nhiều đạo cụ cho nên tính liên tục rất kém. Bởi vậy Bành Đăng Hoài đã từ cơ sở này tiếp tục cải tiến, đến năm 27 tuổi đã có thể trong 1 phút thay đổi mặt nạ đến cả chục lần. Nhưng cho dù như thế vẫn có người xem nói rằng: Mỗi lần đều là thay đổi trở về mặt thật rồi mới lại thay sang mặt khác, không có gì kỳ lạ. Từ câu nói này đã khích lệ Bành Đăng Hoài quyết tâm. Ông bắt đầu mò mẫm một phương pháp thay đổi bộ mặt hoàn toàn mới. Qua mấy chục năm khổ luyện, cuối cùng ông đã thực hiện được đột phá, có thể liên tục thay đổi các bộ mặt khác nhau. 

Tiến bộ có tính đột phá này đã khiến cho danh tiếng Bành Đăng Hoài nổi như cồn, rất nhiều người mong bái ông làm thầy để học. Nhưng họ Bành yêu cầu học trò rất cao, cho dù là “Thiên Vương” Lưu Đức Hoa cũng phải qua vài lần khảo hạch với được nhận làm môn đệ. 


Tuy học được phần chân truyền nhưng bị nghiêm khắc hạn chế các trường hợp thay đổi mặt và không cho phép dùng kỹ năng này vào mục đích thương nghiệp. Có lẽ rất nhiều người nổi danh đều là vì kiếm tiền nhưng Bành Đăng Hoài không như vậy. Mỗi lần biểu diễn thay đổi gương mặt của ông đều là vì mục đích quyên góp từ thiện. 


Khi tham gia diễn phim Tiếu Ngạo Giang Hồ, kỹ năng biến đổi bộ mặt của ông khiến mọi người tán dương nhưng khi có đoàn kịch tìm đến ông, ông lại nói: “Tôi chỉ là muốn cho nhiều người được thấy môn bản lĩnh này, như hiện nay đã làm được rồi, tôi không muốn lại dùng nó vào mục đích thương mại”. 


Đồng thời với thành công lớn, vì trong phim Dư Thương Hải và phái Thanh Thành sống tà ác nên có ảnh hưởng nhất định đến thanh danh của phái Thanh Thành. Cũng bởi thế mà Bành Đăng Hoài bị một số chỉ trích, nhưng may là đích thân Kim Dung đã liên hệ với phái Thanh Thành, biểu thị bản thân có chỗ quả thực là viết sai nên xin lỗi, mong được lượng thứ. 

Theo Toutiao

Wednesday, September 19, 2018

Tìm hiểu một vài môn công phu thượng thừa

Nói đến những tuyệt kỹ võ thuật lưu truyền từ xưa tới nay, không thể không nhắc tới những công phu Nhất chỉ thiền, Thiết ngưu công, Châu sa chưởng… 


Những công phu âm độc hàng đầu 


Trong cuốn sách Phương pháp luyện ngạnh công và nhuyễn công của võ sư Hàng Thanh do nhà xuất bản Long An ấn hành năm 1990, Nhất chỉ thiền được liệt kê ở hàng đầu. Võ sư Hàng Thanh viết về nó: “ Nhất chỉ thiền là loại công phu âm độc rất nguy hiểm, luyện cho toàn lực tụ lại nơi một ngón tay. Khi hành công, kình phát ra, ngón tay chưa tới mà đối thủ đã bị thương trí mạng rồi. Do đó người chân chánh hiền đức ít ai chịu tập công phu sát nhân này, dù vậy khi luận về sự lợi hại thì Nhất chỉ thiền cũng được xếp hàng đầu”. 

Phương pháp luyện tập Nhất chỉ thiền không có gì bí mật thần kỳ. Tất cả gồm 3 giai đoạn có thể nhìn thấy rõ kết quả bằng mắt. 


Đầu tiên dùng một quả chuông nặng từ 10 đến 20 kg như loại chuông cỡ vừa dùng trong chùa. Lấy sợi dây treo lên sao cho thân chuông ngang với tầm tay với. Mỗi ngày, vào lúc sáng tinh sương và khi đêm tối thanh vắng là hai thời điểm rất thuận lợi để luyện tập. Người tập đứng trước chuông lập tấn. Sau đó dùng ngón tay trỏ điểm tới chuông, các ngón khác co lại. Lưu ý là việc điểm ra không được căng cứng tay hay cố sức đẩy chuông mà chỉ đưa tới như con rắn mổ tới mà thôi. 

Ban đầu, những cú điểm không làm xê dịch chuông nhưng cứ kiên trì rồi cũng làm được. Tập cho đến khi nào mà tay điểm chưa chạm tới chuông mà chuông đã rung thì coi như xong giai đoạn thứ nhất. 

Giai đoạn hai phải làm một phòng kín để tập. Cuối phòng đặt một cái bàn. Đến giờ tập, người tập vào phòng, thắp một cây nến đặt lên bàn rồi đứng ra xa mà hướng vào ngọn nến vung tay điểm tới. Sau một thời gian luyện tập, hễ tay vung ra là nến tắt phụt. Lúc đó thắp lên độ 4 ngọn nến rồi lần lượt điểm tới. Mỗi lần điểm tới làm tắt một ngọn thì giai đoạn 2 đã thành công. 

Cuối cùng dùng một cái chụp đèn bằng giấy chụp lên ngọn nến rồi cũng đứng xa tập điểm ngón tay hướng vào ngọn nến. Lúc đầu nến tắt mà giấy cũng rách. Kiên trì luyện tập để chỉ nến tắt mà giấy không rách. Thành công được việc đó thì thay chụp giấy bằng chụp thủy tinh rồi tiếp tục tập. 

Cho đến khi nào làm tắt nến bên trong chụp thủy tinh mà thủy tinh không hề gì thì công phu đã đại thành. Mặc dù vậy cho đến nay cũng chưa thấy ai biểu diễn công phu nhất chỉ thiền này. Đôi khi có báo chí đăng có người dùng ngón tay trỏ đâm xuyên gỗ, đá và gọi đó là Nhất dương chỉ theo tên trong tiểu thuyết võ hiệp. Nếu so kết quả đó với lý thuyết môn Nhất chỉ thiền này thì thành quả đó mới chỉ tương ứng với giai đoạn thứ nhất. 


Cùng một dạng như Nhất chỉ thiền, người luyện thành môn Châu sa chưởng khi thành công không cần phải đụng chạm vào người, chỉ cần đưa tay tới hướng địch đánh gió. Địch thủ không tránh né để chạm phải chưởng phong thì trúng đòn chí tử. Theo võ sư Hàng Thanh, người bị trúng phải châu sa chưởng, trong khoảng 10 ngày là chết mà không thể chữa trị. 

Cách luyện môn này cũng gồm mấy bước. Trước hết dùng một chậu đựng đầy cát nhuyễn đã lọc kỹ. Mỗi ngày 2 lần đưa 2 tay bốc cát lên xoa cho tới khi nào hai bàn tay mỏi nhừ mới thôi. Qua vài năm luyện tập, đến một ngày hai bàn tay xoa vào nhau phía trên mặt chậu mà cát trong chậu động đậy dậy lên thì đã thành công một giai đoạn. 

Tiếp theo thay loại cát to hơn và tiếp tục xoa cho đến khi cát to cũng cuộn lên thì được. Lại thay cát bằng mạt sắt và bi sắt nhỏ. Tới khi làm cho bi sắt cũng bị dậy lên mỗi lần xoa tay vào nhau thì công phu đại thành. Cũng như Nhất chỉ thiền, luyện môn công phu này phải mất hàng chục năm kiên trì luyện tập. Duy có điều, võ sư Hàng Thanh lưu ý là sau khi đã luyện thành thì bàn tay cũng chai cứng như sắt thép nên vô dụng, không thể làm được những việc khéo léo. Môn công phu này đến nay cũng chỉ còn lại danh tiếng, chưa có ai luyện thành. 

Thiết ngưu công 

Có lẽ đây là một trong số ít các môn tinh hoa võ thuật đời trước mà thời nay còn có một số người luyện thành công. Mục đích luyện môn này là khiến cho bụng cứng rắn để quyền cước đánh vào không đau, đao kiếm đâm chém không thủng. 

Nói đến môn này thì không cần dẫn ra tới thế giới hay nước ngoài, ngay tại Việt Nam ta cũng đã có nhiều người làm được. Nổi tiếng có võ sư Hà Châu từng cho xe lu 18 tấn cán qua người, võ sư Hàng Thanh cho đủ các loại xe tải cán qua bụng mà không cần lót gỗ vào những năm trước giải phóng ở miền Nam. 


Ở miền Bắc thì giới võ thuật vẫn truyền tai nhau về cố võ sư Trần Thúc Tiển ở môn phái Vĩnh Xuân quyền. Võ sư Tiển từng cho một vận động viên quyền anh đấm vào người hàng mấy trăm quả đến khi mệt không đấm được nữa thì thôi. Thời gian gần đây võ sư Nguyễn Ngọc Nội, một đệ tử của võ sư Tiển từng lên truyền hình cho khán giả xem ông đứng cho 3 học trò đấm hàng ngàn quả. Ba người thay nhau đấm đến khi mệt bở hơi tai mà ông vẫn điềm nhiên chuyện trò như không. Dĩ nhiên tác giả không biết được các võ sư nói trên luyện tập thế nào để đạt được trình độ ấy và tên gọi của công phu đó là gì. Tuy nhiên, cứ theo như kết quả được trình bày thì nó cũng tương tự như phép luyện Thiết ngưu công. 

Kết quả mỹ mãn nhiều người ao ước vậy song việc luyện tập Thiết ngưu công dễ dàng trong tầm tay và không đòi hỏi nhiều dụng cụ khó khăn. Hàng ngày người tập tụ khí vào bụng rồi đấm nhẹ vài lần. Đấm xong thì thở khí ra và chà xát bằng lòng bàn tay. Mỗi lần tập tụ khí vài lần. Ngày qua ngày tăng dần độ mạnh cú đấm lên. Đến khi tự mình đấm mạnh hết sức mà không thấy đau thì lấy búa gỗ rồi búa đinh gõ vào. 

Ban đầu cũng gõ nhẹ rồi mạnh dần. Cho đến khi tiếng gõ không còn bình bịch nữa mà nghe như tiếng sắt thép chạm nhau thì công lực đã thành tựu được 7, 8 phần rồi. Đến lúc này thì đêm ngủ đặt một tảng đá to lên bụng đến sáng hôm sau thức giấc mới bỏ xuống để luyện sức cầm cự lâu dài. Đến khi đặt khối đá lên bụng mà vẫn ngủ ngon thì công phu 10 phần đã thành công rồi đó. Lúc này dù có là người đấm hay binh khí đâm chém vào cũng không còn đáng sợ nữa. 

Thiết tưởng phương pháp luyện thiết ngưu công trình bày ở trên hoàn toàn có cơ sở dễ hiểu. Cứ mỗi ngày tác dụng lực vào người thì lâu dần sức chịu đựng được nâng cao lên. Luyện tập vài năm thì hoàn toàn có thể có khả năng chịu đựng để người ta đấm đá vào mà không đau đớn. 


Chuyện Trung Quốc cử cao thủ dạy Bác Hồ Thái Cực Quyền

Trong phim tư liệu có đoạn Bác Hồ luyện Thái cực quyền nhưng ít ai biết Người đã tập luyện môn võ này từ bao giờ và tập như thế nào. 

Theo tài liệu của cả Trung Quốc và Việt Nam thì vị võ sư đã dạy Thái cực quyền cho Bác là võ sư Cố Lưu Hinh. Ông sinh năm 1908 mất năm 1990 là người Thượng Hải. Ông được biết đến như một trong những chuyên gia về Thái cực quyền nổi tiếng ở cả trong và ngoài Trung Quốc. 


Các tài liệu Trung Quốc cho biết võ sư Cố Lưu Hinh học võ từ năm 11 tuổi. Trong suốt cả cuộc đời luyện võ, ngoài việc chuyên tâm luyện quyền, ông còn thăm viếng nhiều danh sư khắp nước để học hỏi thêm sở trường các môn các phái. Ông cũng từng giữ chức Phó sử nghiên cứu kiêm trưởng khoa thể dục Thượng Hải, Chủ tịch Hiệp hội võ thuật Thượng Hải… 

Năm 2004, trên tạp chí Võ thuật Trung Hoa có đăng lại một bài tự thuật của võ sư Cố Lưu Hinh về chuyến sang Việt Nam dạy võ cho Hồ Chủ tịch. Nhờ đó chúng ta mới biết rõ về việc học Thái cực quyền của Bác Hồ. 

Võ sư Cố Lưu Hinh kể rằng ông đã ở Hà Nội từ tháng 1 đến tháng 4/1957 để dạy quyền cho Bác. Việc này bắt nguồn từ chuyến thăm của Thủ tướng Chu Ân Lai và Phó Thủ tướng Hạ Long tháng 10/1956. Khi đó, Phó Thủ tướng Hạ Long – vốn là một người ham thích võ thuật đã giới thiệu với Bác về tác dụng dưỡng sinh và trị bệnh của Thái cực quyền. Bác Hồ nghe xong rất hứng thú nên đề nghị phía Trung Quốc cử chuyên gia sang hướng dẫn. Sau chuyến thăm này, Ủy ban TDTT Trung Quốc đã giao nhiệm vụ cho võ sư Cố Lưu Hinh. 

Trước khi sang Hà Nội dạy Bác Hồ, ông Cố Lưu Hinh rất băn khoăn vì Thái cực quyền có nội dung chiến đấu mà Bác thì tuổi đã cao, hơn nữa lại là lãnh đạo Nhà nước, dạy nhẹ thì không hiệu quả mà nặng quá thì e lại là không tôn trọng. Sau cùng ông Hoàng Trung – Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Trung Quốc quyết định chỉ cần chú trọng đến phương diện y lý trị bệnh mà không cần dạy chiến đấu, kỹ tích. 

Ngày 12/1/1957, võ sư Cố đến Hà Nội bằng tàu hỏa, Bác cử người của Ban Ngoại vụ ra đón. Thời gian đó Bác đang bận chủ trì một hội nghị của Đảng nhưng ngay hôm sau Người vẫn thu xếp thời gian đến gặp võ sư Cố. Người nói chuyện với võ sư bằng tiếng Quảng Đông rất lưu loát. Trong buổi gặp đầu tiên ấy, Cố Lưu Hinh đã tặng Bác 3 cuốn Thái cực quyền giản hóa do UBTDTT Trung Quốc ấn hành và toàn bộ hình ảnh Dương Trừng Phủ đi quyền. 

Võ sư Cố Lưu Hinh viết: “Hồ Chủ tịch quy định thời gian tập, buổi sáng từ 6h đến 6h30, chiều từ 18 đến 19h. Trong buổi tiệc chúc mừng năm mới, tôi được Hồ chủ tịch mời tham dự và giới thiệu với một số cán bộ cao cấp, phần lớn trong số họ là xuất thân từ quân ngũ, cơ thể vạm vỡ, sức khỏe dồi dào, tôi tự nghĩ là không biết liệu mọi người có chịu tiếp thu nguyên tắc của Thái Cực Quyền được hay không? Do vậy tôi có đề nghị với Hồ chủ tịch rằng, trước tiên giảng về quyền lý, phương pháp luyện tập, để có cơ sở ban đầu, Hồ chủ tịch rất tán đồng”. 

Theo kế hoạch, Bác Hồ bắt đầu tập Thái cực quyền từ ngày 5/2/1957 theo giáo trình tập luyện trong 40 ngày do võ sư Cố Lưu Hinh biên soạn. Bác rất trân trọng nhân tài và cũng rất quan tâm đến mọi người nên đã chỉ thị cho những cận vệ và các cán bộ gần gũi mình cùng tập luyện. 

Theo lời tựa cuốn Thái Cực Quyền của cố võ sư Cố Lưu Hinh do ông Tạ Quang Chiến – nguyên Tổng cục trưởng Thể dục Thể thao Việt Nam và cũng là một cận vệ của Bác Hồ thời đó cho biết: “Người rất trọng nhân tại và quan tâm đến mọi người xung quanh nên chỉ thị cho chúng tôi tổ chức thành lớp học có gần 20 anh, chị em cùng tham gia học Thái cực quyền. 

Chính tại cái sân rộng rãi chếch phía sau bên phải ngôi nhà một tầng nơi Người đã từng ở và làm việc gần 10 năm sau giải phóng Thủ đô, sáng sáng Người dậy rất sớm để cùng lớp học nghiêm túc theo từng động tác của lão võ sư. 

Người còn cùng lớp học, không bỏ buổi nào nghe võ sư Cố Lưu Hinh giảng giải về lý thuyết võ học, võ đạo. Người thường ân cần hỏi han trân trọng và nhiều lần giữ lão võ sư ở lại cùng ăn sáng và trao đổi ý kiến rất cởi mở, thân mật”. 

Bản thân võ sư Cố cũng kể: “ Thư ký Tạ Quang Kiện (có lẽ chính là ông Tạ Quang Chiến) và cận vệ trưởng Vương Văn Chương đều nói là buổi sáng Người dậy từ 4h sau đó bắt đầu bật đèn và tự tập Thái cực quyền. Buổi sáng Hồ Chủ tịch cùng với thư ký, cảnh vệ, đầu bếp tập 3 đến 4 lần quyền, buổi tối có lúc lại ngồi xem tôi hướng dẫn luyện, vừa tập theo đồng thời chỉnh tư thế cho mọi người. Hồ Chủ tịch vốn có cơ bản về võ thuật cho nên tư thế động tác gọn và chuẩn hơn những người khác, tốc độ cũng nhanh hơn chút, nhưng Người cũng kiên trì đợi tập cùng mọi người đến khi nào thuần thục mới thôi, theo kế hoạch là 40 ngày nhưng vì vậy mà phải kéo dài thêm. Từ 5/2 đến 16/4 đã trải qua 62 ngày luyện…”. 

Đến cuối tháng 4, võ sư Cố Lưu Hinh về nước vì tháng 7 phải tham gia Đại hội võ thuật toàn Trung Quốc. Khi chia tay, Bác nói: “Nếu đã vậy thì chúng tôi cũng không giữ anh ở lại nữa, hy vọng sau này có cơ hội thì lại mời anh sang dạy quyền”. 

Nhưng vào cuối năm đó, võ sư Cố lại có vinh dự dạy quyền cho Bác một lần nữa khi Bác sang Hàng Châu. Tại đây Bác ở tại Hoa viên Tạ Gia còn ông Cố Lưu Hinh thì được công an thành phố Thượng Hải đưa tới khách sạn Đại Hoa cạnh Tây Hồ. Dịp này Bác tập luyện với võ sư Cố thêm được nửa tháng nữa. Khi chia tay Bác tặng ông Cố Lưu Hinh một bức chạm Tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm bằng ngà voi rất đẹp. 

Bác Hồ sau khi học được Thái cực quyền rất kiên trì luyện tập. Ông Tạ Quang Chiến viết trong tài liệu đã dẫn ở trên: “Qua tập luyện của Bác Hồ những năm 1955 – 1957 so sánh với trước đó, chúng tôi thấy Thái cực quyền là bài tập mà Người ưa thích nhất, có lẽ vì nó hấp dẫn, mang lại kết quả tích cực, rất thích hợp với mọi người, đặc biệt người lớn tuổi”. 



Tìm hiểu về công phu thiết đầu công của Thiếu Lâm Tự

Các võ tăng Thiếu Lâm luyện thành thiết đầu công có thể dùng đầu đập vỡ gạch đá nhưng ít người biết họ đã làm thế nào đạt được cảnh giới đó. 

Theo Từ điển võ thuật Trung Hoa do Nxb Thể dục Nhân dân của Trung Quốc ấn hành năm 1990, thiết đầu công là một môn công phu luyện tập cho đầu cứng chắc như sắt có thể đập vỡ gạch đá. 


Người ta cũng biết đến thiết đầu công như một trong những tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm thông qua nhiều bộ phim mà trong đó sư Thiếu Lâm hàng ngày ngồi trước một đống gạch rồi dùng đầu đập cho vỡ gạch. 

Tuy nhiên, bất kỳ môn võ nào, để đạt được thành quả cũng phải rèn luyện hết sức công phu, tỉ mỉ và không thể nóng vội vì càng nóng vội càng dễ sai lầm, hỏng việc. Đối với môn thiết đầu công cũng vậy. Theo tạp chí Công phu toàn cầu của Trung Quốc, thiết đầu công là môn công phu thuộc ngoại công dương cương kết hợp khí công nội liễm. 

Điều đó có nghĩa là khi luyện tập phải kết hợp luyện cả bên trong lẫn bên ngoài. Trong thì luyện khí công làm chỗ dựa, ngoài thì luyện cho gân, xương bền chắc để đủ sức va đập mà không bị chấn thương. 

Tuy nói môn này thuộc dòng ngoại công tức là sử dụng sự cường kiện của gân cốt bên ngoài nhưng cũng phải kết hợp lực, khí, thần bên trong mới có thể thành tựu viên mãn. Nếu chỉ có sực tráng kiện bên ngoài mà không có nội công thâm hậu bên trong thì có thể cũng thành công nhưng không thể đạt tới chỗ viên mãn. 

Luyện tập công phu này cần phải kiên trì từ dễ tới khó, từ nông tới sâu, từ mềm tới cứng dần dần. Phải tuần tự mà tiến không thể nóng vội. 

Trước hết cần luyện cho xương cứng dần lên. Lúc này vì sọ não chưa cứng rắn, dễ bị thương nên phải luyện từ bao tập mềm. Dùng bao tập mềm như loại bao tập đấm đá bình thường rồi hàng ngày đập đầu vào bao.Trọng lượng của bao cũng nên để từ nhẹ tới nặng dần tùy theo thời gian. Một điều hết sức tránh là nóng vội muốn đẩy nhanh tốc độ tập mà đốt cháy giai đoạn sẽ dễ bị tổn thương. 

Khi luyện tập phải vận khí lên não cho sung mãn và mỗi ngày đập vào bao ngàn lần. Ban đầu không được ra sức dùng đỉnh đầu đập mạnh mà phải luyện nhẹ nhàng và từ từ tăng dần sức đập. Khổ luyện 1 năm là sơ bộ có thể thành tựu được giai đoạn 1. 

Sau khi thành tựu giai đoạn 1 thì không dùng bao tập mềm nữa mà dùng thân cây trực tiếp luyện tập. Lại tiếp tục luyện dần từ nhẹ đến nặng. Ban đầu cũng cảm thấy khá đau nhưng mỗi ngày đều kiên trì tập, trong khoảng 1 năm là có thể vượt qua được giai đoạn này. 

Sau khi đập vào thân cây mà không còn cảm thấy đau nữa thì có thể thay thân cây gỗ bằng đá hoặc bờ tường cứng để luyện. Mỗi ngày nên luyện 1 giờ vào buổi sáng sớm, cường độ luyện tập tùy theo thể trạng của mỗi người mà chọn cách khác nhau. 

Sau khi đập vào bờ tường mà thấy bình thường thì công phu đã khá thâm hậu, đầu đã cứng như đá, nếu đập vào đá thì đá cũng vỡ, húc vào tấm sắt, sắt cũng phải lõm. Nhưng để đạt được cảnh giới này, phải thanh tâm tu luyện, loại bỏ tạp niệm để tâm tĩnh lặng đặt đến cảnh giới tự nhiên mới có thể luyện công để đạt đến đỉnh cao. 

Theo tính toán sơ bộ, luyện thiết đầu công như phương pháp trên, nếu có thày giỏi chỉ dẫn và chuyên tâm luyện tập cũng phải ít nhất là 5 năm mới có thành tựu. Trên đây cũng chỉ là sơ qua các bước luyện tập để độc giả tham khảo, độc giả không có thày đã thành công chỉ dạy thì chớ nên tự ý tập theo mà dẫn tới bị thương.

Thuật lại cuộc tỷ võ giữa Diệp Vấn tiền bối Lương Bích

Trong phim Diệp Vấn tiền truyện có dựng lại duyên gặp gỡ giữa Diệp Vấn và Lương Bích là nhờ đi mua thuốc cho một người Tây bị chính Diệp Vấn đánh bị thương. Tuy nhiên sự thực Diệp Vấn và Lương Bích đã gặp nhau và tỉ thí với nhau trong một bối cảnh hoàn toàn khác. 

Theo Wikipedia bản tiếng Anh, vào năm 16 tuổi (khoảng năm 1909), Diệp Vấn từ Phật Sơn sang Hồng Kông nhờ sự giúp đỡ của một người bà con. Một năm sau, ông vào học trong trường St. Stephen’s College – một trường trung học dành cho con cái những gia đình giàu có và người nước ngoài tại Hồng Kông. 

Cảnh Lương Bích (do Diệp Chuẩn đóng) dạy võ cho Diệp Vấn (do Đỗ Vũ Hàng đóng) trong phim Diệp Vấn tiền truyện.
Trong thời gian học ở St. Stephen’s College, Diệp Vấn thấy một cảnh sát đánh một phụ nữ và đã ra tay can thiệp. Viên cảnh sát cố gắng để đánh Diệp nhưng bị ông đánh ngã rồi sau đó Diệp Vấn chạy vào trong trường học với các bạn. Sự việc này đã khiến Diệp Vấn được các bạn trong lớp nể phục. 

Một bạn cùng lớp của Diệp Vấn sau đó đã kể câu chuyện này với một người đàn ông trung niên sống cùng tòa nhà chung cư với cậu ta. Người đàn ông liền hẹn gặp Diệp Vấn và hỏi Diệp học võ gì. Ông cũng nói rằng võ thuật của Diệp Vấn chưa hoàn hảo và thách Diệp Vấn thử vào tay “Li thủ” với ông ta. 

Diệp Vấn nhìn thấy đối thủ có vẻ không vượt quá khả năng của mình nên chấp nhận thách đấu. Nhưng không ngờ chỉ sau vài đường, Diệp Vấn bị ông ta đánh bại. Sau đó, Diệp Vấn mới biết rằng người đối diện với mình không ai khác chính là võ sư Lương Bích, sư đệ của Trần Hoa Thuận và là con trai của Lương Tán (sư phụ Trần Hoa Thuận). 

Sau cuộc gặp gỡ với Lương Bích, Diệp Vấn tiếp tục học hỏi thêm về Vịnh Xuân Quyền với Lương Bích. 

Câu chuyện này, về sau, khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Anh hùng võ thuật ở Hồng Kông, Diệp Vấn đã kể chi tiết hơn. Theo đó, người bạn đã làm cầu nối cho Diệp Vấn là anh chàng họ Lai, con trai một ông chủ công ty tơ lụa lớn. Anh Lai nói với Diệp Vấn rằng trong nhà anh có một người trung niên biết một số kỹ thuật công phu và chàng Lai khích Diệp Vấn đến thử ông ta. 

Vào thời điểm đó Diệp chưa bao giờ bị đánh bại, vì thế ông không mất thời gian suy nghĩ liền nhận lời ngay. Lai đã hẹn để giới thiệu hai người với nhau vào một buổi chiều chủ nhật. 

Đúng ngày, Diệp Vấn tìm đến nhà chàng họ Lai. Sau khi được giới thiệu với người đàn ông trung niên này, Diệp chú ý nhìn. Trong nhận xét của Diệp Vấn, người đàn ông này giống các quý ông điển hình hơn là một người thực sự biết võ công. Không mất nhiều thì giờ, Diệp Vấn thẳng thắn ngỏ lời muốn tỉ võ. 

Với một nụ cười, người đàn ông trung niên nói: “Được, Diệp Vấn, nếu cậu muốn một trận tỉ thí với tôi. Trước khi bắt đầu, tôi muốn nói với cậu là hãy đừng lo lắng cho tôi. Tất cả điều cậu cần là tấn công tôi vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể với tất cả sức mạnh của mình”. 

Nghe xong câu đó, chàng trai Diệp Vấn kiêu hùng, mặc dù vẫn tỏ vẻ thản nhiên nhưng đã thực sự phát điên lên và tất cả điều chàng ta muốn là đánh bại người đàn ông này ngay tức thì. 

Ngay sau khi người trung niên đưa tay ra hiệu mời Diệp Vấn tấn công, ông phải đối mặt với một cơn mưa những cú đấm. Tuy nhiên, người này đã rất nhanh tay phản công, đến nỗi Diệp Vấn không thể nào phản ứng kịp. Chỉ trong khoảnh khắc, Diệp Vấn buộc phải lùi vào một góc và người trung niên cũng dừng tay ngay tức khắc. 

Bị thua ngay hiệp đầu tiên, Diệp Vấn không thể tin rằng người đàn ông này đã chiến thắng mình nhanh đến thế. Bởi vậy Diệp Vấn đã yêu cầu được thi đấu lại. Một lần nữa Diệp Vấn lại bị thua. Diệp Vấn không thể làm bất kỳ điều gì để chống lại được ông ta và Diệp sư phụ biết rằng lần này ông đã gặp một cao thủ thực sự. Không nói một lời nào, Diệp Vấn đã bỏ đi với một sự thất vọng lớn. 

Sau trận đấu đó, Diệp Vấn vô cùng chán nản và thậm chí không dám cho người ta biết rằng mình biết võ công. 

Một tuần sau, Diệp Vấn được Lai thông báo rằng người người đàn ông trung niên muốn gặp anh một lần nữa. Vào thời điểm đó, Diệp Vấn khá sợ và quá xấu hổ để gặp lại người đàn ông trung niên. Ông nói với Lai: “Tôi cảm thấy quá xấu hổ để gặp lại ông ấy. Tôi không phải là đối thủ của ông ấy”. 

Nhưng khá bất ngờ, người bạn họ Lai nói rằng người đàn ông kia đã thực sự ca ngợi kỹ thuật của Diệp Vấn. Dó là lý do tại sao ông ấy muốn gặp và nói chuyện với Diệp Vấn một lần nữa. Lai cũng bắt đầu kể cho Diệp Vấn nghe bí mật về người bạn của cha mình. Thì ra, người đã tỉ thí với Diệp Vấn không ai khác, chính là Lương Bích, con trai của bậc thầy Lương Tán. 

Sau khi biết sự thật, Diệp Vấn nghĩ thầm: “Chẳng trách nào trình độ võ thuật của ông ấy quá cao. Mình đã đấu với một bậc thầy, một chuyên gia Vịnh Xuân”. 

Diệp Vấn cũng ngay lập tức nhận ra đây là một cơ hội. Ông cảm thấy ông vẫn chưa có trình độ cao thực sự với những kỹ thuật học được từ sư phụ Trần Hoa Thuận. Đây sẽ là cơ hội tốt để Diệp Vấn tìm hiểu các kỹ thuật Vịnh Xuân tiên tiến hơn. Bởi thế Diệp Vấn đã đi cùng Lai đến gặp Lương Bích. 

Và sau đó, Lương Bích đã rất vui mừng nhận ra Diệp Vấn là một thiên tài trong việc tiếp nhận kỹ thuật Vịnh Xuân và ông đã nhiệt tình dạy Diệp Vấn. Vài năm sau đó, Lương Bích mệt mỏi với cuộc sống ở Hong Kong và đã nghĩ đến việc trở lại Phật Sơn. Vào thời điểm đó, Diệp Vấn cũng đã đạt trình độ cao nhất trong võ thuật. 

Một điều cần nói thêm là Trần Hoa Thuận và Lương Bích là sư huynh đệ. Lương Bích là con Lương Tán còn Trần Hoa Thuận là người được Lương Tán chọn làm truyền nhân. Tuy nhiên có một số chiêu thức Lương Tán đã không dạy hết cho Trần Hoa Thuận mà dạy lại cho hai con trai của ông là Lương Xuân và Lương Bích. Nhờ cái duyên gặp gỡ Lương Bích, Diệp Vấn đã được học hết toàn bộ các bí quyết Vịnh Xuân nên từ đó ông mới trở thành một đại cao thủ võ thuật lừng danh.